Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:42

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:58 ngày 09/01/2017

Ngành Công Thương: Nâng cao năng lực công nghệ nội sinh

Câu chuyện các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành Công Thương làm chủ các thiết kế và chế tạo, cung cấp thiết bị cho các ngành công nghiệp quan trọng, thay thế các sản phẩm nhập ngoại đã không còn là chuyện hiếm. Để thúc đẩy việc nội địa hóa công nghệ, việc chú trọng đầu tư và có các chính sách mạnh mẽ khuyến khích sử dụng công nghệ trong nước là rất cần thiết.

Nghiên cứu và phát triển KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương

Doanh thu lớn từ làm chủ công nghệ

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua đã chứng kiến những bước phát triển rất căn bản của KH&CN, bao gồm cả nghiên cứu phát triển cũng như ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Trong đó phải nói đến năng lực nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ nội sinh. “Ngành Công Thương với các ngành công nghiệp quan trọng và mũi nhọn của nền kinh tế trong thời gian vừa qua là nơi đã áp dụng rất nhiều những tiến bộ KH&CN; đặc biệt tiếp tục có sự phát triển các công nghệ nội sinh, đã mang lại được những đóng góp nhất định, thiết thực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của các ngành kinh tế, của các tập đoàn, các tổng công ty…” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đưa ra dẫn chứng về việc làm chủ công nghệ, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí - cho hay, trong lĩnh vực thủy điện, nếu như trước năm 2005, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài, nhưng sau đó với chủ trương của Chính phủ về nội địa hóa và theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong nước đã tìm mua thiết kế của nước ngoài, kết hợp với kinh nghiệm sẵn có để tiến hành công việc nội địa hóa. Đến nay, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án thủy điện với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, giá thành rẻ đáng kể so với sản phẩm nhập ngoại. Gần đây nhất, là việc cung cấp thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu.

Việc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) chủ động thiết kế, chế tạo máy biến áp 220kV có công suất từ 63-250 MVA đã buộc các hãng sản xuất máy biến áp trên thế giới phải giảm tới 20% giá bán tại Việt Nam. Đến nay, EEMC đã sản xuất, đưa vào vận hành trên 60 máy biến áp 220kV, tổng doanh thu gần 1.800 tỷ đồng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - người “khai sinh” ra những chiếc máy biến áp của EEMC - cho biết, sau khi máy biến áp 220kV đầu tiên của EEMC vận hành được hơn 2 năm, nhiều chuyên gia nước ngoài sau khi đến thăm đều cùng chung suy nghĩ: “Nếu không tận mắt nhìn thấy sẽ không thể tin nổi Việt Nam đã làm được máy biến áp cao áp 220kV”.

Chú trọng đầu tư

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương luôn xác định nghiên cứu và phát triển KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực của sự phát triển để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất và đã quan tâm đầu tư thích đáng cho công nghệ. Nhờ đó, nhiều thành tựu KH&CN mới của thế giới đã được nghiên cứu, giải mã và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án thủy điện và dầu khí

Để tăng cường tiềm lực KH&CN, trong giai đoạn 2011-2015, các viện nghiên cứu của Bộ đã được nhà nước đầu tư thực hiện 12 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 624 tỷ đồng. Chẳng hạn, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đầu tư 2 dự án xây dựng Trung tâm Phân tích hóa - lý kim loại màu đã hoàn thành năm 2013 và dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ luyện kim và chế biến khoáng sản miền Nam (thực hiện từ 2014-2018) với tổng kinh phí đầu tư 117,5 tỷ đồng; Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng Thí nghiệm điện tử, Tự động hóa từ 2014-2017, với tổng kinh phí đầu tư 45 tỷ đồng…

Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, một số viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty cũng đã quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN phục vụ sự phát triển của ngành. Điển hình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư trên 1.040 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Phân tích thí nghiệm và văn phòng Viện Dầu khí tại TP. Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, đầu tư thôi chưa đủ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các chính sách để thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, chỉ riêng trong ngành Cơ khí, kinh phí đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2007-2025 khoảng 80-100 tỷ USD. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, chúng ta có thể nội địa hóa khoảng 50% thiết bị phụ, chiếm khoảng 30% tổng giá trị thiết bị của nhà máy. Chính phủ đã có chính sách cụ thể tại Quyết định 1791/QĐ-TTg để phát triển các thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã phê duyệt Dự án KH&CN hàng trăm tỷ đồng để đạt được mục tiêu này, nhưng lại chưa có cơ chế ràng buộc chủ đầu tư phải áp dụng kết quả của dự án. “Chúng ta cần có chính sách bảo hộ để KH&CN trong nước có đất phát triển…” - PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

KH&CN là nền tảng rất quan trọng, là động lực phát triển kinh tế Việt Nam cũng như của các ngành công nghiệp trong giai đoạn vừa qua và đặc biệt trong giai đoạn tới đây.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang