Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 05:36

Thứ năm, 25/04/2024 | 05:36

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 19/04/2022

Kết quả khảo nghiệm diện rộng tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Cao Bằng trong các vụ xuân 2020-2021

TÓM TẮT
Tổ hợp thuốc lá lai GL9 được chọn tạo theo định hướng kháng một số bệnh hại chính ở thuốc lá đã được khảo nghiệm diện rộng trong các vụ Xuân 2020-2021 tại Cao Bằng và Lạng Sơn. Kết quả khảo nghiệm cho thấy tổ hợp lai GL9 có mức sinh trưởng vượt trội so với giống đối chứng C9-1 thể hiện ở chiều cao cây, số lá thu hoạch và đường kính thân lớn hơn; Không nhiễm bệnh khảm lá, đen thân và có mức nhiễm thấp đối với bệnh đốm lá và nấm phấn trắng. Tổ hợp lai GL9 có năng suất cao trên 2,4 tấn/ha, vượt giống đối chứng C9-1 từ 22,3-31,7 % tại Cao Bằng và từ 10,3-11,9% tại Lạng Sơn. Tổ hợp lai GL9 có tỷ lệ lá cấp 1+2 ở mức cao trên 60%; Có các thành phần hóa học chính như nicotin, đường khử ở mức rất phù hợp cho công tác phối chế. Nguyên liệu được đánh giá có tính chất hút từ khá đến tốt với điểm hương, vị và tổng điểm bình hút tương đương hoặc cao hơn giống đối chứng C9-1.
Từ khóa: Thuốc lá lai, thuốc lá vàng sấy lò, kháng bệnh, khảo nghiệm diện rộng
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chọn tạo các giống thuốc lá có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chính là biện pháp hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tổ hợp thuốc lá lai GL9 được chọn tạo theo định hướng có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chính gồm khảm lá do virus TMV, đen thân do nấm Phytophthora parasitica và héo rũ do vi khuẩn Ralstonia solanacearum. Tổ hợp lai GL9 thể hiện mức kháng bệnh đồng ruộng cao khi được trồng ở điều kiện có mức tồn dư cao của các bệnh đen thân và héo rũ tại Ba Vì - Hà Nội. Khả năng kháng bệnh của tổ hợp lai GL9 được kiểm nghiệm bằng phương pháp lây nhiễm nhân tạo khi thể hiện kháng bệnh khảm lá do TMV, kháng khá bệnh đen thân do nấm và kháng mức trung bình bệnh héo rũ do vi khuẩn (Viện Thuốc lá, 2018)[7]. Bên cạnh khả năng kháng bệnh, tổ hợp lai GL9 còn thể hiện triển vọng về năng suất, chất lượng nguyên liệu qua khảo nghiệm cơ bản trong các vụ Xuân năm 2017 và năm 2018 tại Cao Bằng và Lạng Sơn (Viện Thuốc lá, 2017; 2018)[7]. Từ kết quả tốt khi khảo nghiệm sản xuất quy mô hẹp ở vụ Xuân 2019, tổ hợp lai GL9 được khảo nghiệm diện rộng trong các vụ Xuân năm 2020 và năm 2021 tại các vùng trồng Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm đánh giá triển vọng ở điều kiện sản xuất trước khi công bố lưu hành.
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu nghiên cứu
GL9 là tổ hợp lai giữa dòng mẹ Sp.225 và dòng bố D61. Dòng mẹ Sp.225 là giống nhập nội từ Mỹ có mức kháng cao bệnh đen thân, kháng khá bệnh héo rũ vi khuẩn. Dòng bố D61 được chọn tạo trong nước, có tiềm năng năng suất cao, kháng bệnh khảm lá do TMV. Đối chứng là giống C9-1 đang được sử dụng đại trà tại các tỉnh phía Bắc.
2.2. Phương pháp nghiên cứu 
2.2.1. Bố trí khảo nghiệm 
Tại mỗi vùng trồng Cao Bằng, Lạng Sơn, tổ hợp lai GL9 được bố trí trồng tập trung tại khu vực có nguy cơ bệnh hại cao điển hình cho mỗi vùng với tổng diện tích 5,0 ha/điểm ở vụ Xuân 2020 và 10,0 ha/điểm ở vụ Xuân 2021. Tại mỗi điểm và trong mỗi vụ khảo nghiệm, tổ hợp lai GL9 được trồng theo sơ đồ cặp đôi với giống đối chứng C9-1 trên 3 ruộng khảo nghiệm. Trồng trọt, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đối với thuốc lá vàng sấy đang áp dụng tại vùng núi phía Bắc. Mật độ trồng 20.000 cây/ha với khoảng cách trồng 0,5 x 1,0 m. Bón phân: Tại Cao Bằng sử dụng 1.100 - 1.200 kg/ha phân hỗn hợp chuyên dùng do Viện Thuốc lá sản xuất với tỷ lệ hàm lượng N : P2O5 : K2 O = 5,8 : 7,45 : 13,5. Tại Lạng Sơn sử dụng 850 - 900 kg/ha phân hỗn hợp có tỷ lệ hàm lượng N : P2O5 : K2O = 7 : 9 : 14 do Công ty CP Ngân Sơn cung cấp. 
2.2.2. Đánh giá giống khảo nghiệm 
Việc đánh giá tổ hợp lai GL9 được thực hiện theo Quy chuẩn khảo nghiệm giống thuốc lá QCVN 01-85:2012/ BNNPTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2012)[4]. 
- Phân cấp thuốc lá sau sấy theo Tiêu chuẩn ngành TCN 26-1-02 (Bộ Công nghiệp, 2002)[1]. 
- Phân tích một số thành phần hoá học chính ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu tại Phòng Phân tích Viện Thuốc lá như Nicotin theo TCVN 7103:2002, đường khử theo TCVN 7102:2002 (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2002a, 2002b)[2][3]. 
- Đánh giá chất lượng cảm quan theo tiêu chuẩn tạm thời TC 01-2000 (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, 2000)[6].
- Đánh giá sự sai khác của các cặp tính trạng giữa giống khảo nghiệm và giống đối chứng thông qua so sánh các giá trị trung bình; Sử dụng kiểm định t so sánh giá trị trung bình 2 mẫu cặp đôi trong MS. Excel (Dẫn theo Nguyễn Huy Hoàng và ctv., 2014)[5]. 
2.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trong các vụ Xuân 2020, 2021 với thời vụ trồng trong tháng 1 tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 
3.1. Một số chỉ tiêu sinh trưởng của tổ hợp thuốc lá lai GL9 
Theo dõi một số chỉ tiêu sinh trưởng của tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Cao Bằng và Lạng Sơn kết quả được thể hiện ở bảng 1. 
Nhìn chung, tổ hợp lai GL9 có sức sinh trưởng tốt hơn so với giống đối chứng C9-1, thể hiện ở chiều cao cây, đường kính thân lớn hơn rõ rệt. Đối với kích thước lá: Tổ hợp lai GL9 có chiều dài lá mức tương đương giống đối chứng C9-1 tại Cao Bằng nhưng lớn hơn tại Lạng Sơn trong cả 2 vụ xuân và luôn có chiều rộng lá lớn hơn giống C9-1. 
3.2. Mức độ nhiễm bệnh hại của tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Cao Bằng và Lạng Sơn 
Theo dõi mức độ nhiễm bệnh hại của tổ hợp thuốc lá lai GL9 trong các vụ Xuân 2020, 2021 tại các vùng khảo nghiệm được trình bày ở bảng 2 và bảng 3. 
Bảng 1. Một số chỉ tiêu nông sinh học của tổ hợp lai GL9 trong các vụ Xuân 2020, 2021 tại Cao Bằng và Lạng Sơn
Ghi chú: * tTN so với t0,05 = 2,3: Nếu tTN > t0,05 bác bỏ giả thuyết H0 , sai khác có ý nghĩa thống kê, ngược lại sai khác không có ý nghĩa
Bảng 2: Mức độ bệnh hại tổ hợp thuốc lá lai GL9 ở các vụ Xuân 2020, 2021 tại Cao Bằng
Ghi chú: (-) Không ghi nhận; (+) Mức gây hại nhẹ
Bảng 3: Mức độ bệnh hại tổ hợp thuốc lá lai GL9 ở các vụ Xuân 2020, 2021 tại Lạng Sơn
Bảng 4: Một số chỉ tiêu cấu thành năng suất, năng suất của tổ hợp lai GL9 trong các vụ Xuân 2020, 2021 tại Cao Bằng và Lạng Sơn
Ghi chú: * tTN so với t0,05 = 3,18: Nếu tTN > t0,05 bác bỏ giả thuyết H0 , sai khác có ý nghĩa thống kê, ngược lại sai khác không có ý nghĩa.
*Mức độ bệnh hại tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Cao Bằng 
Bệnh hại chính xuất hiện trên ruộng khảo nghiệm gồm đốm lá thời tiết ở vụ Xuân 2020, nấm phấn trắng ở vụ Xuân 2021 và các bệnh khảm lá do TMV, CMV, thối gân mạng lưới do PVY và đen thân do nấm Phytophtora parasitica trong cả 2 mùa vụ. 
Khảm lá, thối gân mạng lưới và đen thân là các bệnh hại chủ yếu cho thuốc lá tại Cao Bằng. Tổ hợp lai GL9 không nhiễm các bệnh khảm lá, đen thân trong cả 2 mùa vụ trong khi tỷ lệ cây nhiễm bệnh thối gân mạng lưới dưới 1% nên mức gây hại không đáng kể. 
*Mức độ bệnh hại tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Lạng Sơn
Bệnh hại chính xuất hiện trên ruộng khảo nghiệm tại Lạng Sơn gồm nấm phấn trắng, đốm lá thời tiết, thối gân mạng lưới do PVY và khảm lá do TMV. Tương tự tại Cao Bằng thì thối gân mạng lưới và khảm lá do TMV là các bệnh gây hại chính cho thuốc lá tại Lạng Sơn. Tổ hợp lai GL9 không nhiễm bệnh khảm lá do TMV cho thấy khả năng kháng của giống và nhiễm bệnh thối gân mạng lưới với tỷ lệ rất thấp. 
3.3. Năng suất và chất lượng nguyên liệu của tổ hợp thuốc lá lai GL9 
3.3.1. Năng suất của tổ hợp lai GL9 
Kết quả theo dõi một số chỉ tiêu có liên quan đến năng suất của tổ hợp lai GL9 trong các vụ Xuân 2020-2021 được thể hiện ở bảng 4. 
Số lá thu hoạch là chỉ tiêu có tương quan thuận với năng suất. Tổ hợp lai GL9 với tổng số lá lớn nên có số lá thu hoạch lớn hơn rõ rệt giống đối chứng C9-1 tại cả Cao Bằng và Lạng Sơn. Các sai khác này có ý nghĩa thống kê với P ≥ 95%. 
Năng suất lá khô: Tổ hợp lai GL9 đạt năng suất ở mức khá tại cả Cao Bằng và Lạng Sơn (>2,4 tấn/ha ở vụ Xuân 2020 và >2,6 tấn/ha ở vụ Xuân 2021) và vượt trội giống đối chứng C9-1 mức 10,3 đến 11,9% tại Lạng Sơn và mức 23,3 đến 31,7% tại Cao Bằng; sai khác có ý nghĩa thống kê (Với t TN luôn lớn hơn t0,05 = 3,18; P ≥ 95%). 
Hình 1: Khảo nghiệm diện rộng tổ hợp thuốc lá lai GL9 tại Cao Bằng ở vụ Xuân 2021
3.3.2. Chất lượng nguyên liệu của tổ hợp thuốc lá lai GL9 
Chất lượng nguyên liệu thuốc lá được đánh giá qua một số chỉ tiêu được thể hiện ở các bảng 5, 6. 
Tỷ lệ lá cấp loại tốt (cấp 1 + 2) ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của mỗi giống. Tổ hợp lai GL9 có tỷ lệ lá cấp 1+2 đạt mức rất cao (>70%) tại Cao Bằng và mức cao (≥60%) tại Lạng Sơn và thường đạt cao hơn giống đối chứng C9-1. 
Tổ hợp lai GL9 có hàm lượng nicotin nằm trong ngưỡng tối ưu (1,7 đến 2,6%) thuận lợi cho công tác phối chế của các đơn vị sản xuất thuốc điếu. Hàm lượng nicotin của tổ hợp lai GL9 có mức biến động hẹp hơn so với giống đối chứng C9-1. 
Tổ hợp lai GL9 có hàm lượng đường khử khá ổn định khi biến động trong phạm vi hẹp, từ mức 19,7% đến 22,8% và rất gần với ngưỡng tối ưu (14-20%) cho công tác phối chế.
Chất lượng nguyên liệu thuốc lá còn được đánh giá qua bình hút cảm quan, trong đó, các chỉ tiêu hương thơm, khẩu vị được đánh giá cao hơn. Kết quả bình hút được thể hiện ở bảng 6. 
Về hương thơm: Nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 được đánh giá có hương thơm khá tốt (9,5 đến 9,8 điểm) với điểm hương thường tương đương giống đối chứng C9-1 và vượt trội ở vụ Xuân 2020 tại Cao Bằng.
Về khẩu vị: Nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 được đánh giá có vị khá, hài hòa, có hậu vị. Tương tự như điểm về hương, nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 có điểm vị vượt trội giống đối chứng C9-1 tại Cao Bằng ở vụ Xuân 2020 và mức tương đương ở các vụ còn lại. 
Tổng điểm bình hút của tổ hợp lai GL9 đạt từ 39,0 điểm - mức có tính chất hút khá ở vụ Xuân 2020 tại Lạng Sơn đến 40,7 điểm - mức có tính chất hút tốt ở các vụ Xuân 2020 tại Cao Bằng và 2021 tại Lạng Sơn. So với giống đối chứng C9-1 thì nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 có tổng điểm bình hút cao hơn ở vụ Xuân 2020 tại Cao Bằng và mức tương đương ở vụ Xuân 2021 và tại Lạng Sơn.
Bảng 5: Tỷ lệ lá cấp 1+2 và thành phần hóa học nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 trong các vụ Xuân 2020-2021 tại Cao Bằng và Lạng Sơn
Bảng 6. Điểm bình hút cảm quan nguyên liệu của tổ hợp thuốc lá lai GL9 trong các vụ Xuân 2020, 2021 tại Cao Bằng và Lạng Sơn (Đơn vị tính: điểm)
Ghi chú: *Thang đánh giá chất lượng nguyên liệu thuốc lá qua tổng điểm bình hút:< 35: tính chất hút trung bình; Từ 35 đến < 40: tính chất hút khá; ≥ 40: tính chất hút tốt.
IV. KẾT LUẬN 
- Tổ hợp lai GL9 có mức sinh trưởng vượt trội so với giống C9-1 thể hiện ở chiều cao cây, số lá thu hoạch và đường kính thân lớn hơn. Tổ hợp lai không nhiễm bệnh khảm lá, đen thân và có mức nhiễm thấp đối với bệnh đốm lá và nấm phấn trắng. 
- Năng suất lá sấy của tổ hợp lai GL9 đạt trên 2,4 tấn/ha, vượt trội so với giống đối chứng C9-1 mức 23,3 đến 31,7 % tại Cao Bằng và 10,3 đến 11,9 % tại Lạng Sơn. 
- Nguyên liệu của tổ hợp lai GL9 có tỷ lệ lá cấp 1+2 ở mức cao trên 60%; Có các thành phần hóa học chính như nicotin, đường khử ở mức rất phù hợp cho công tác phối chế. Tính chất hút của nguyên liệu được đánh giá ở mức từ khá đến tốt với điểm hương, vị và tổng điểm bình hút tương đương hoặc cao hơn giống đối chứng C9-1.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Bộ Công nghiệp, (2002). Tiêu chuẩn ngành TCN 26-1-02 về Thuốc lá vàng sấy - Phân cấp chất lượng và yêu cầu kỹ thuật. 
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, (2002a). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7103:2002 về Thuốc lá và sản phẩm thuốc lá: Xác định hàm lượng alkaloit bằng phương pháp đo phổ. 
3. Bộ Khoa học và Công nghệ, (2002b). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7102:2002 (CORESTA 38:1994) về Thuốc lá: Xác định đường khử bằng phương pháp phân tích dòng liên tục. 
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (2012). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-85:2012/BNNPTNT về Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống thuốc lá vàng sấy. 
5. Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đình Hiền, Lê Quốc Thanh, (2014). Thiết kế, thi công thí nghiệm, xử lý số liệu và phân tích kết quả trong nghiên cứu nông nghiệp. NXB Khoa học kỹ thuật. Hà Nội.. 
6. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, (2000). Tiêu chuẩn tạm thời TC 01-2000 về Đánh giá chất lượng cảm quan thuốc lá nguyên liệu. 
7. Viện Thuốc lá, (2017), (2019). Lai tạo giống thuốc lá mới có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chính. Báo cáo khoa học về kết quả thực hiện đề tài cấp Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam các năm 2017, 2018. 
TÀO NGỌC TUẤN, NGUYỄN BÁ ĐÌNH, BÙI QUỐC VIỆT 
Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá – Tổng công ty thuốc lá Việt Nam
(Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 47- Tháng 12/2021)
lên đầu trang