Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:03

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:03

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:20 ngày 19/04/2022

Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai: Sử dụng thuốc tuyển quặng thân thiện môi trường

Để giải quyết vấn đề môi trường do sử dụng axit sunfuaric làm thuốc điều chỉnh nhằm loại bỏ lưu huỳnh có trong sản phẩm tinh quặng sắt, một nhóm kỹ sư của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai- VIMICO đã cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học Công nghệ mỏ- Luyện kim (VIMLUKI) nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm thành công thuốc tuyển thân thiện môi trường trong tuyển tách lưu huỳnh.
Theo ông Lý Xuân Tuyên - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (VIMICO), để loại bỏ lưu huỳnh có trong sản phẩm tinh quặng sắt, năm 2017, Phân xưởng Tuyển khoáng 1 (Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền - Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai) đã áp dụng sáng kiến, giải pháp tuyển tách lưu huỳnh bằng phương pháp tuyển nổi trong môi trường pH ≤5 (sử dụng axit sunfuaric), sử dụng thuốc tập hợp Butylxantat và thuốc tạo bọt là BK20. Sau khi áp dụng giải pháp, kết quả hàm lượng S trong quặng tinh sắt giảm được <1 %S. Tuy nhiên, khi sử dụng axit sunfuaric làm thuốc điều chỉnh môi trường thì bùn quặng sinh ra một lượng khí có mùi khó chịu lan tỏa ra môi trường xung quanh, khi hít phải rất khó thở. Đồng thời, với môi trường bùn quặng có tính axit thì việc oxi hóa các thiết bị cũng diễn ra rất nhanh.

Dây chuyền tuyển quặng đồng của Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai
Để giải quyết bài toán trên các nhà khoa học của VIMLUKI đã cùng các kỹ sư của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai nghiên cứu để tìm ra loại thuốc mới là axit hữu cơ - axit Oxalic (H2C2O4). Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng như kết quả chạy thử nghiệm trên thực tế sản xuất trong các ca đã đạt mục tiêu đề ra.
TS. Nguyễn Thúy Lan- thành viên nhóm nghiên cứu của VIMLUKI - cho biết, axit Oxalic là một axit hữu cơ tương đối mạnh, khi pha chế, không tỏa nhiệt, dễ tan, không tạo mùi khó chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong quá trình pha chế, bảo quản và sử dụng. Hàm lượng lưu huỳnh trong quặng tinh sắt giảm từ bình quân 5-8% xuống dưới 1%, đạt yêu cầu làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp luyện gang thép, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất cho đơn vị và thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Đặc biệt, sử dụng axit Oxalic giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Đánh giá cho thấy, các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình sử dụng thuốc tuyển thấp hơn nhiều so với khi sử dụng axit H2SO4; việc ăn mòn thiết bị cũng được giảm đi đáng kể.
Hiệu quả về kinh tế cũng rất rõ nét, sau khâu công nghệ tuyển từ thu hồi sắt Manhetit của nhà máy, sản phẩm quặng tinh sắt thu được có hàm lượng sắt Fe >64%, hàm lượng lưu huỳnh trong quặng tinh sắt dao động từ 3-10%, trung bình đạt 6-7%. Với chất lượng quặng sắt như vậy có thể bán trên thị trường khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn. Với loại quặng tinh sắt có chất lượng >3%S giá VIMICO chào bán: 1.200.000 đồng/tấn, gia tăng được giá trị sản phẩm trên 625.000 đồng/tấn, mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm cho nhà máy.
Qua kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm trên cho thấy sử dụng axit Oxalic không chỉ góp phần cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản tại Việt Nam. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường làm việc xanh, sạch, trong lành cho người lao động, đáp ứng được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững mà ngành Công Thương và Chính phủ Việt Nam đã và đang đề ra.
Đánh giá cho thấy, các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình sử dụng thuốc tuyển là axit Oxalic thấp hơn nhiều so với khi sử dụng axit H2SO4; việc ăn mòn thiết bị cũng được giảm đi đáng kể.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang