Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:25

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:12 ngày 25/04/2022

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may

Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Ngành dệt may sẽ có định hướng chính sách rõ ràng hơn cho phát triển, bao gồm cả phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may
Dệt may luôn nằm trong top đầu ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, cũng là ngành có số lượng lao động lớn. Tuy nhiên, phần lớn số lao động trong ngành dệt may hiện nay là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu. Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng thì đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Đặc biệt với phân ngành hỗ trợ như sản xuất nguyên vật liệu.
Trên thực tế, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là hiện trạng nổi cộm của dệt may Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về của ngành chưa tương xứng, thậm chí còn thấp, đúng chỉ "lấy công làm lãi". Các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may đều chung nhận định, chỉ khi ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may bù đắp được phần lớn giá trị nhập khẩu thì giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may mới tăng cao. Để làm được điều này, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản xuất nguyên vật liệu của ngành.
Để có thể vận hành được các thiết bị, máy móc hiện đại cũng như tổ chức quản lý sản xuất theo Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi trình độ lao động cũng phải được nâng lên. Nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Doanh nghiệp và các trường đào tạo chưa hình thành liên kết bền vững hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau…
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho các kỹ năng mới cần thiết đối với ngành dệt may
Chuẩn bị nguồn nhân lực vẫn được các chuyên gia khuyến cáo cũng đồng thời là mong muốn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Điều này đang bị thúc ép một cách gay gắt trước những áp lực do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và Luật Phát triển công nghiệp, cùng với việc Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đang được hoàn thiện. 
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra lộ trình: Triển khai nghiên cứu, dự báo nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng nhằm định hướng tuyển sinh và đăng ký ngành nghề đào tạo cho các cơ sở đào tạo; tăng cường phổ biến thông tin về nhu cầu lao động trong ngành dệt may đặc biệt trước các kỳ tuyển sinh.
Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho các kỹ năng mới cần thiết đối với ngành dệt may như các kỹ năng về thiết kế, phát triển sản phẩm và các kỹ năng mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường phát triển liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước với nước ngoài, giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý; mở thêm các chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ hiện đại như kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D, nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu mới sử dụng trong ngành dệt may …
Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư có chọn lựa các công nghệ hiện đại, đi kèm chuẩn bị nhân lực phù hợp; tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp của các vị trí việc làm; liên kết, phối hợp với các trường đào tạo trong việc đào tạo, tuyển dụng cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng cao giúp doanh nghiệp khai thác được các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may như khâu thiết kế thời trang, cung ứng nguyên phụ liệu, xuất khẩu và marketing. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động tính bằng giá trị của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn giúp các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành dệt may, qua đó nâng cao nhanh năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may.
Theo: Chinhphu.vn

lên đầu trang