Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:29

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:29

Chính sách

Cập nhật lúc 07:25 ngày 28/04/2022

Đề xuất thực hiện chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Văn phòng Chính phủ ngày 21/4/2022 có Văn bản số 2506/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc đề xuất thực hiện chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam: Cú hích đột phá?Phát triển ngành CN ô tô Việt Nam: Những "nút thắt" phải gỡPhát triển công nghiệp ô tô Việt Nam: Cẩn trọng để có chính sách khả thi
Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 23/3/2022, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đăng ký gặp lãnh đạo Chính phủ để trình bày về đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp ngày một đáng kể cho nền kinh tế.
Cụ thể về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao cho Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam để có giải pháp đồng bộ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Với mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp ngày một đáng kể cho nền kinh tế, đồng thời cũng bám sát với xu hướng công nghệ và sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, VAMA đề xuất trao đổi những nội dung: Chương trình phát triển xe ô tô sử dụng điện và lộ trình chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện, chương trình hành động để thực hiện cam kết COP26; kiến nghị về những khó khăn trong quá trình thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến sản phẩm hết niên hạn sử dụng và quy trình tái chế; đề xuất các chính sách để thúc đẩy thị trường, mở rộng sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ trong nước.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng kiên trì quan điểm thúc đẩy phát triển xanh là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, thúc đẩy sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường của Việt Nam đòi hỏi phải có chính sách phù hợp cũng như vai trò của các công cụ kinh tế.
Trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô, cần có các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu...
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện... đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và “phát triển ngành công nghiệp ôtô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông".
Mới đây, trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Công Thương cũng tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thứ hai, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Trong đó, mục tiêu tổng thể của kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang