Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:05

Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:49 ngày 29/04/2022

Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển ngành cơ khí tại Đà Nẵng

Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, song để tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng phải chủ động thay đổi, tối đa hóa tự động hóa và tận dụng hiệu quả các chính sách.
Thông tin tại Hội thảo ngành cơ khí trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày 26/4 tại TP. Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đến cuối năm 2020, thành phố có khoảng 710 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chiếm 36,9% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp thành phố, tăng gấp đôi so với năm 2011. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp trong ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (655/710 doanh nghiệp, chiếm 92,2%). Ngành cơ khí thành phố hiện đang tạo việc làm trực tiếp cho gần 14.300 lao động (năm 2020).
Trình độ cơ khí hóa, tự động hóa và điều kiện làm việc cho người lao động trong ngành cơ khí đã được cải thiện.  Giá trị sản xuất công nghiệp (GO) theo giá so sánh năm 2010 của ngành cơ khí năm 2020 ước đạt 15.660 tỷ đồng với sự gia tăng dần từ năm 2011 đến năm 2018. Năm 2019 và 2020 GO ngành cơ khí tụt giảm do ảnh hưởng của việc hoạt động không ổn định 2 nhà máy thép (Dana Úc và Dana Ý). Chỉ số sản xuât công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2011 – 2020 của tất cả các phân ngành cấp 2 thuộc nhóm ngành đều tăng. Giá trị tăng thêm (VA) của ngành cơ khí năm 2020 ước đạt 2.606 tỷ đồng, chiếm 27,9% VA toàn ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng VA giai đoạn 2011 – 2020 đạt 12,36%. Tỷ trọng VA/GO giai đoạn này tăng dần qua các năm, đến cuối năm 2020, tỷ trọng VA/GO ước đạt 16,7%.
Trong giai đoạn 2011 – 2020, TP. Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp cơ khí có quy mô như nhà máy Tokyo Keiki sản xuất thiết bị thủy lực (vốn đầu tư 40 triệu USD), nhà máy Niwwa Foundry sản xuất linh kiện trong các bộ phận thủy lực và cơ khí chính xác cao (vốn đầu tư 30 triệu USD), nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (vốn đầu tư 170 triệu USD) ….
Theo báo cáo được đưa ra tại hội thảo, về định hướng đến năm 2030, ngành cơ khí thành phố sẽ tập trung phát triển, đầu tư theo chiều sâu như ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực sản xuất cũng như sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cơ khí truyền thống; thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải với các sản phẩm chủ lực (ô-tô du lịch, du thuyền, tàu thuyền công suất lớn phục vụ khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá…); thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, trong đó ưu tiên: sản xuất - lắp ráp linh kiện, phụ tùng, chi tiết…
Đồng thời hạn chế thu hút đầu tư các dự án mới về sản xuất thép xây dựng trên địa bàn; chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường; tiên phong trong chế tạo các thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí đã đề cập và trao đổi một số vấn đề như: Chiến lược phát triển ngành cơ khí trọng điểm quốc gia và khả năng tham gia của cơ khí thành phố; vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố…
Các báo cáo tham luận tại hội thảo cũng đánh giá năng lực, trình độ kỹ thuật và công nghệ của ngành cơ khí trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế so với các trung tâm công nghiệp khác. Ngành cơ khí thành phố cũng đối diện với nhiều thách thức của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí thích ứng và chủ động trong CMCN 4.0; thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND thành phố phối hợp với Bộ Công Thương sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp Vùng tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả những chính sách hỗ trợ của trung ương và của thành phố để "rút ngắn" khoảng cách về khoa học công nghệ. Hiện TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, cụ thể như linh kiện, cụm linh kiện để sản xuất, lắp ráp du thuyền, các loại tàu thuyền khác bằng kim loại; linh kiện và phục tùng xe máy; linh kiện phụ thùng máy dép nhựa, cao su… Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cơ khí phát triển.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp và kết nối công nghiệp hỗ trợ để kết nối các doanh nghiệp cơ khí, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp thành phố. Xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể trong lĩnh vực công nghiệp…
Theo Cổng TTĐT Bộ Công Thương
lên đầu trang