Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 21:00

Thứ năm, 25/04/2024 | 21:00

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:04 ngày 09/05/2022

PVN xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong chuyển dịch năng lượng

Việc xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là nhu cầu cần thiết đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng hiện nay.
PVN với lợi thế trong chuyển dịch năng lượng
Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với ngành dầu khí, các công ty dầu khí đã có những chiến lược để thích ứng với quá trình chuyển dịch năng lượng này. Theo đó, nhiều tập đoàn, công ty dầu khí lớn trên thế giới đang tập trung vào các giải pháp như giảm dần tỷ trọng dầu, tăng dần tỷ trọng khí – loại nhiên liệu sạch hơn để thay thế dầu. Bên cạnh đó là các giải pháp cắt giảm khí thải nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tích hợp lọc hoá dầu đê sản xuất các loại sản phẩm khác (do nguồn nguyên liệu hoá thạch ngày càng giảm), sản xuất các loại nhiên liệu sạch như hydro, nhiên liệu sinh học,…
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo, nghiên cứu và công nghệ” do Trường Đại học Điện lực tổ chức ngày 6/5, TS. Phan Ngọc Trung – Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Cụ thể, Tập đoàn đã có kinh nghiệm hạ tầng trong toàn bộ các khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí và sản xuất điện năng. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quốc tế thế mạnh về thị trường, tài chính, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Đáng chú ý, Tập đoàn còn sở hữu nguồn nhân lực với gần 60.000 lao động trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.
Với vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam, hiện nay, PVN đóng góp khoảng 25% - 27% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp và 18% - 27% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
Ngành dầu khí đã có những định hướng phát triển đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Thiết lập các mục tiêu chiến lược 
Xác định những lợi thế trong quá trình chuyển dịch năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược đổi mới sáng tạo của Tập đoàn đến năm 2045 với bốn mục tiêu chiến lược gồm: gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng khai thác đảm bảo an ninh năng lượng; sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạ tầng, tối ưu hoá chi phí sản xuất; giảm thiểu tác động môi trường; và phát triển các lĩnh vực mới. 
Theo TS. Phan Ngọc Trung, đinh hướng phát triển đổi mới sáng tạo của PVN bao gồm việc tạo sự gắn kết giữa các hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo gắn liền với chiến lược phát triển của PVN. Trong đó có sự kết nối giữa chương trình đổi mới sáng tạo của PVN và các đơn vị thành viên với các chương trình quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo để thực hiện các mục tiêu chiến lược, xây dựng lộ trình cong nghệ, các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn.
Đẩy mạnh ứng dụng, thử nghiệm các công nghệ, giải pháp quản lý mới để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, đặc biệt là những công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiến tới sáng tạo công nghệ trong một số lĩnh vực.
Sắp xếp lại hệ thống đổi mới sáng tạo của PVN và các đơn vị để tăng cường liên kết theo chuỗi các hoạt động đổi mới sáng tạo từ nghiên cứu phát triển đến ứng dụng và thương mại hoá.
Xây dựng hệ thống quản trị, nâng cao vai trò điều phối của PVN; hoàn thiện hệ thống quy chế, cơ chế, chính sách để phù hợp với nhu cầu nâng cao quy mô của hoạt động đổi mới sáng tạo, thu hút, tuyển dụng đào tạo, sử dụng hiệu quả nhân tài trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Tăng cường mở rộng hợp tác trong đổi mới sáng tạo, chủ động tìm kiếm các đối tác chiến lược về đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để thu hút được nguồn ý tưởng bên ngoài PVN và trí tuệ trên toàn thế giới; nâng cao năng lực đặt đầu bài, tìm kiếm giải pháp và tổ chức áp dụng, quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột không thể thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh tiềm năng, trữ lượng dầu khí còn lại không nhiều, cùng với xu hướng phát triển kinh tế carbon thấp, chuyển đổi số,…định hướng phát triển đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Tập đoàn để đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lại.
Bích Phương
lên đầu trang