Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:27

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:27

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:19 ngày 18/05/2022

Chuyển đổi số ở chợ truyền thống miền Trung - Tây Nguyên

Thích ứng với chuyển đổi số trong CMCN 4.0, các tạp hóa, chợ truyền thống tại miền Trung - Tây Nguyên đã hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt.
Thanh toán không tiền mặt "lên ngôi"
Chợ 4.0 đang nổi lên là một cụm từ được nhắc đến nhiều khi đến các chợ truyền thống miền Trung - Tây Nguyên như chợ Hàn, chợ Cồn (TP. Đà Nẵng), chợ Đông Ba (Huế), chợ Tam Kỳ (Quảng Nam), chợ Quảng Ngãi (Quảng Ngãi)….
Thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành thói quen của người tiêu dùng khi đến mua sắm tại các chợ truyền thống miền Trung - Tây Nguyên
Sở Công Thương các tỉnh thành miền Trung đang liên kết với các đơn vị viễn thông lớn để thực hiện những mô hình chợ 4.0 thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, thu hút sự quan tâm tham gia của hàng nghìn tiểu thương các chợ truyền thống.
Thống kê của Agribank Đắk Lắk đến cuối năm 2021, doanh số thanh toán không tiền mặt tại ngân hàng này đạt gần 491 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020 , gần 100.000 khách hàng sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến của ngân hàng.
Tại tỉnh Quảng Nam, bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng BQL chợ Tam Kỳ (TP. Tam Kỳ) cho biết, hiện nay chợ đang triển khai hình thức thanh toán không tiền mặt tại các quầy cố định một số ngành hàng… Người lớn tuổi thì sẽ có các đội ngũ hỗ trợ, hướng dẫn để người dân chuyển dần sang thanh toán thông qua quét mã QR Code hoặc số điện thoại.
“Việc thanh toán không tiền mặt vừa giúp người tiêu dùng thanh toán thuận lợi, an toàn hơn; hơn nữa đây là cách giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số”, bà Nga thông tin.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, mô hình chợ 4.0 cũng đã được triển khai và có những kết quả ban đầu. Theo bà Đặng Thanh Hương, Ban quản lý chợ Quảng Ngãi, việc thanh toán không tiền mặt và áp dụng công nghệ vào thanh toán là cách xây dựng chợ hiện đại, văn minh. “Chợ 4.0 hỗ trợ chính quyền và người dân thực hiện “xã hội số” thông qua việc phổ cập phương thức thanh toán trực tuyến, giảm việc thanh toán bằng tiền mặt tại các chợ truyền thống. Giúp tiểu thương và người dân ở các chợ truyền thống tiếp cận với công nghệ thanh toán tiện lợi, dễ dàng quản lí tiền bạc bằng công nghệ”, bà Hương nói.
Tại TP. Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1.300 tiểu thương tại 3 chợ loại 1 là chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa tham gia chương trình chợ 4.0.
Chuyển khoản đã trở thành hình thức phổ biến, quen thuộc tại chợ Hàn và chợ Cồn - 2 chợ lớn phục vụ du lịch tại TP. Đà Nẵng. Đặc biệt là tại các quầy bán hàng đặc sản, quà lưu niệm, hàng quần áo… “Khách du lịch chuộng thanh toán không tiền mặt. Chủ yếu là chuyển khoản. Tất cả tiểu thương chúng tôi đều có số tài khoản dán ở vị trí dễ thấy ở quầy sạp để khách thuận lợi thanh toán”, bà Lại Nam Định - tiểu thương chợ Hàn nói và cho biết thêm, ngoài hình thức thanh toán này các tiểu thương còn có nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khách như quẹt thẻ, quét mã QR Code, thanh toán qua các ví điện tử….
Thanh toán không tiền mặt giúp tăng sức cạnh tranh của chợ truyền thống với các kênh bán lẻ hiện đại
Xu hướng thanh toán không tiền mặt cũng đang có những tín hiệu tích cực tại khu vực Tây Nguyên. Trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), nhiều cửa hàng tạp hóa đã bắt đầu dán Mã QR để thanh toán không tiền mặt, hay “xịn” hơn thì trang bị thiết bị POS; mPOS (máy quẹt thẻ ngân hàng) để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 15-20%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không tiền mặt qua các kênh điện tử đạt 30%.
Theo ông Nguyễn Như Thành (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk), từ đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đề án sử dụng thanh toán không tiền mặt với sự kết hợp của các ngân hàng tại địa phương. Kết quả từ đề án mang lại khá khả quan, khi số lượng người dân bắt đầu chuyển qua sử dụng thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản, quẹt thẻ ngân hàng hay quét Mã QR.
“Đa số chủ cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống hay người dân đã quen với phương thức thanh toán không tiền mặt bằng điện thoại để phòng chống dịch bệnh. Đây là tín hiệu tốt từ người dân trong công cuộc triển khai đề án này”, ông Thành chia sẻ.
Chủ động ứng dụng công nghệ để “số hóa”
Không chỉ chủ động thanh toán không tiền mặt, nhiều tiểu thương, cửa hàng bán lẻ đã tận dụng các mạng xã hội, ứng dụng công nghệ phục vụ thương mại điện tử. Dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021 đã thúc đẩy nhiều tiểu thương mạnh dạn chuyển sang song song kênh bán hàng trực tiếp và bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội như facebook, zalo…
Đặc biệt nổi bật, tại chợ Đông Ba (TP. Huế, Thừa Thiên Huế), Ban quản lý chợ đã xây dựng riêng 1 app phục vụ “đi chợ hộ” cho người tiêu dùng.
Các thành viên Ban quản lý chợ Đông Ba chuẩn bị giao hàng cho người dân đặt mua hàng qua app Chợ Đông Ba
Bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng Ban quản lý Đông Ba cho biết, app chợ Đông Ba được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2022, là mô hình “đi chợ hộ” trên nền tảng thương mại điện tử. Mục đích vừa hỗ trợ tiểu thương trong việc kinh doanh buôn bán, mặc khác phục vụ việc mua sắm của người tiêu dùng thông qua dịch vụ “đi chợ hộ” và giao hàng tận nơi.
“Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân thay vì đến chợ thì mua sắm trực tuyến. Sau dịch, Ban quan lý chợ đã xây dựng app chợ Đông Ba như một sàn thương mại điện tử thu nhỏ để duy trì và phát huy tốt hiệu quả của thói quen mua sắm này. Vừa tiện ích cho khách hàng, vừa tạo tính cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ hiện đại”, bà Thanh chia sẻ.
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 50% người dân tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; 10% doanh số bán lẻ hành hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến từ thương mại điện tử. Các con số này lần lượt tăng lên 100% - 80% - 30% vào năm 2030.
Sau khi đưa vào sử dụng, từ các mặt hàng thiết yếu như gạo, cá, thịt, rau củ quả, bánh kẹo cho đến đồ thủ công mỹ nghệ, thiết bị gia dụng, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… đều được đưa lên app và niêm yết giá rõ ràng để người dân dễ dàng chọn lựa. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ ký hợp đồng với các tiểu thương về các mặt hàng đưa lên app, cam kết chất lượng, giá cả nên người dân yên tâm khi mua sắm.
“Tương lai, Ban quản lý chợ sẽ xây dựng app chợ Đông Ba trở thành một app thương mại buôn bán các mặt hàng đặc sản, chất lượng của Huế không chỉ phục vụ khách trong tỉnh mà còn cả nước, tránh tình trạng du khách mua phải hàng đắt nhưng kém chất lượng”, bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết thêm.
Đại diện lãnh đạo thành phố Huế cho biết, việc Ban quản lý chợ Đông Ba đưa app ứng dụng mua sắm riêng của chợ đã đánh dấu bước ngoặt mới. Thời gian tới thành phố sẽ hỗ trợ Ban quản lý chợ Đông Ba phát triển về công nghệ, quảng bá ứng dụng chợ Đông Ba đến rộng rãi với mọi người dân. Thành phố cũng đang xem xét để đưa app chợ Đông Ba vào trong phần mềm Hue-S để mọi người dân ở Huế có thể thuận lợi trong việc đi chợ trực tuyến hơn.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang