Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 16/04/2024 | 22:44

Thứ ba, 16/04/2024 | 22:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:10 ngày 21/05/2022

Tiết kiệm năng lượng - giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng

Do kinh tế tăng trưởng trở lại sau hai năm đại dịch Covid-19, nguồn điện cung cấp cho miền Bắc sẽ gặp căng thẳng vào dịp hè năm nay. Sáng ngày 18/5/2022, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm Năng lượng - Bộ Công Thương và Báo Kinh tế Đô thị tổ chức tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng - giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng".
Tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng - giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng".
Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có bài chi tiết về các phương án và giải pháp của EVN đảm bảo điện trong thời gian nắng nóng "Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025)" tập trung chủ yếu vào nguy cơ thiếu điện khu vực miền Bắc. Trong bài này, chúng tôi chủ yếu điểm lại các thảo luận về tiết kiệm năng lượng.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: "Năm 2020 tăng trưởng điện của cả nước đạt có 3,42%. Năm 2021, tình hình có khả quan hơn, tăng trưởng 3,82%. Hết quý 1/2022, hệ thống điện của chúng ta tăng trưởng khoảng 7,3%, gần gấp đôi của năm 2021". Trong khi đó nguồn phát điện lại tăng trưởng chậm nên tiết kiệm điện là cần thiết, nhất là vào thời gian nắng nóng. Năm nay giá nhiên liệu lại tăng hơn năm ngoái nên chi phí sản xuất điện cũng tăng.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương nhận xét: Hiện nay, Việt Nam sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, cao hơn 30% so với Thái Lan và cao gấp 4 - 5 lần so với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam trên một đơn vị GDP cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN và Ấn Độ, cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển.
Ông Vũ nêu ra ba yếu tố làm cho cường độ năng lượng Việt Nam bị cao:
Một là: Cơ cấu nền kinh tế vĩ mô của chúng ta còn bao gồm nhiều ngành công nghiệp nặng, sắt, thép, xi măng có cường độ năng lượng cao hơn so với các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, bán dẫn hay ngành dịch vụ du lịch. Cơ cấu đó cần chuyển dịch theo hướng xanh hơn, thúc đẩy các ngành có cường độ sử dụng năng lượng thấp hơn.
Hai là: Trong cùng một cơ cấu kinh tế, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm được cường độ tiêu thụ năng lượng.
Ba là: Yếu tố nhận thức, ý thức và hành vi sử dụng năng lượng trong hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Nếu công nghệ cao mà không biết cách sử dụng thì cũng không hiệu quả.
Mặt khác, chúng ta cũng phải ghi nhận hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ tăng trưởng điện so với tăng trưởng GDP hàng năm) của Việt Nam đang có xu hướng giảm, từ 1,8 những thập kỷ trước, mấy năm nay còn 1,3 - 1,4. Đây là tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hệ số đàn hồi cao hơn 1 chứng tỏ việc sử dụng năng lượng chưa thực sự hiệu quả và vẫn còn dư địa để cải thiện. Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đặt ra mục tiêu mỗi năm tiết kiệm 2% so với kịch bản phát triển thông thường. Con số đó không hề nhỏ và dễ vì đó là hàng năm, tức là năm sau phải tiết kiệm 2% so với năm trước.
Nguồn tiết kiệm năng lượng được coi là nguồn năng lượng đầu tiên. Chi phí tiết kiệm chỉ bằng một phần tư so với chi phí sản xuất ra số điện đó. Đồng thời chúng ta đóng góp cho cắt giảm phát thải khí nhà kính như cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam - Nguyễn Anh Tuấn.
Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam - Nguyễn Anh Tuấn đồng ý là dư địa tiết kiệm năng lượng còn nhiều. Tiết kiệm điện tương đương với tạo ra nguồn điện mới nhưng tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là không dùng, vì nền kinh tế phát triển, xã hội phát triển thì người dân tiêu thụ điện nhiều lên. Tiết kiệm năng lượng có nghĩa là tiêu dùng thông minh, đủ và khôn khéo. Nếu tiết kiệm không đạt mục tiêu thì chi phí xây dựng nguồn điện sẽ tăng cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, ban soạn thảo một mặt phải dự báo nhu cầu xã hội tăng lên do tăng trưởng kinh tế, mặt khác cũng phải đánh giá khả năng tiết kiệm điện. Hai yếu tố đó, cộng với cam kết Net-zero đẩy giao thông sang dùng điện sẽ là cơ sở dự báo nhu cầu.
Chuyên gia Hà Đăng Sơn lưu ý là cam kết Net-zero của Việt Nam và một loạt nước trên thế giới sẽ tạo ra cuộc dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang điện trong các hầu hết các ngành. Như vậy thách thức trong việc đảm bảo nguồn điện sẽ tăng lên. Khi đó tiết kiệm điện, cắt giảm nhu cầu phù hợp trở nên rất quan trọng vì không thể tăng lên mãi. Nhưng cũng không thể bỏ hết các ngành có cường độ năng lượng cao vì chúng ta phải có xi măng, sắt thép thì mới xây dựng cơ sở hạ tầng được. Ngay cả điện gió cũng ngốn rất nhiều xi măng, sắt thép. Chúng ta phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong những ngành công nghiệp nặng đó, ví dụ như đồng phát điện trong ngành thép. Không nên quên là giá chính là một biện pháp tiết kiệm quan trọng. Giá điện ở các nước châu Âu rất đắt nên buộc người dân và doanh nghiệp phải suy tính sao cho hiệu quả sử dụng năng lượng cao nhất. Giá cao giúp doanh nghiệp phát triển đồng phát, tận dụng nhiệt năng.
Ông Trịnh Quốc Vũ bổ sung là công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện 10 năm qua đã thực hiện tốt, doanh nghiệp và người dân đã biết được những biện pháp cơ bản để tiết kiệm điện.
Ví dụ như hiện nay ai cũng biết hiệu quả sử dụng điện của đèn LED thay cho đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang. Đến nay cần những giải pháp sâu hơn về công nghệ. Về mặt pháp lý, có thể đặt ra những chỉ tiêu rõ ràng về tiêu thụ điện trong một số ngành công nghiệp như Bộ Công Thương đã quy định. Cũng cần phải có cơ chế về tài chính sao cho sử dụng điện hiệu quả đem lại kết quả tài chính tốt hơn.
Ông Võ Quang Lâm cho biết: Cơ chế giá điện hiện nay đã được xây dựng 20 năm trước nên cần được cập nhật cho phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh hiện nay, khi tỷ lệ điện gió và mặt trời đã khá cao trong hệ thống điện. Cần có sự thay đổi về giờ cao điểm, thấp điểm, khuyến khích và hạn chế sử dụng điện linh hoạt hơn.
Các thành viên tham gia tọa đàm đều đồng ý tiết kiệm năng lượng không chỉ mang lại lợi ích cho người tiết kiệm, hệ thống điện mà còn là giảm bớt phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ về Net-zero vào năm 2050. Tiết kiệm điện còn giúp nâng cao an ninh năng lượng cho đất nước ta.
Nguồn: nangluongvietnam.vn/
lên đầu trang