Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 09:55

Thứ tư, 24/04/2024 | 09:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:14 ngày 23/05/2022

Cơ khí Việt Nam đối mặt loạt thách thức trong CMCN 4.0

Ngày 15 tháng 3 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược xác định mục tiêu: đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, ngành cơ khí Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Một trong những thách thức cho các doanh nghiệp cơ khí nước ta chính là sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho biết, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng. Đáng chú ý là sự canh trạnh này không chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Lắp đặt hệ thống cung cấp than do Viện Nghiên cứu Cơ khí chế tạo tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: NARIME)
Trong sản xuất gia công cơ khí, công tác thiết kế sẽ được trợ giúp rất lớn từ các hệ thống máy tính và phần mềm thông minh. Máy móc cũng thay thế con người trong công tác gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị.
Điều này buộc các doanh nghiệp cơ khí muốn phát triển mạnh và bền vững phải thay đổi cơ cấu lao động và ngành nghề, chuyển từ lao động có trình độ chuyên môn thấp lên trình độ chuyên môn cao, đầu tư công nghệ gia công tiên tiến, thay đổi phương thức quản lý sản xuất và nâng cao công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, đầu tư cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng là rất tốn kém. Trong khi đó, nguồn lực của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lại có hạn. Thêm vào đó, một số chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm cơ khí của nhà nước chưa đủ dài và việc áp dụng phức tạp, do vậy chưa tạo ra được động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư chiều sâu vào sản xuất.
Ngoài ra, thị trường thiết bị cơ khí của nước ta cũng gặp phải thách thức không nhỏ. Theo TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME), theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp điện, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, dung lượng thị trường để phát triển cơ khí còn rất lớn, đặc biệt là dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp đang phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài về công nghệ. Điều này dẫn đến tỷ trọng trong nước thực hiện còn rất thấp, đạt không quá 20%, chủ yếu tập trung ở những sản phẩm đơn giản không tạo ra giá trị thặng dư cao.
Để khắc phục hạn chế này, theo TS. Phan Đăng Phong, cần xây dựng được chiến lược phát triển của các bộ, ngành trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của quốc gia. “Chiến lược của các viện những năm tới cần xây dựng trên cơ sở này, trọng tâm là xây dựng các viện nghiên cứu triển khai đủ mạnh có công nghệ nguồn tương ứng với từng lĩnh vực công nghiệp và đủ khả năng hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất sản phẩm ngành cơ khí năm 2021 tăng 0,4% so với năm 2020. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt sản lượng cao bao gồm: động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt… 
Hà Nguyễn

lên đầu trang