Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:02

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:02

Chính sách

Cập nhật lúc 07:48 ngày 27/05/2022

Sửa đổi Luật Dầu khí: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Dự kiến, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Luật Dầu khí hiện hành ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, đã phát sinh một số vấn đề; một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp thực tiễn, chưa đồng bộ với các luật liên quan...
Chia sẻ tại Hội thảo về một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận xét, dự án Luật Dầu khí sửa đổi chưa thể hiện rõ những vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng châu Á, nội dung có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; xu hướng thị trường có nhiều thay đổi; việc thay đổi ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy...
Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư
Ông Nguyễn Huy Quý - Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng, dự thảo Luật sau này có nhiều tiến bộ và cơ bản tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý. Tuy nhiên, nội dung trong dự thảo vẫn chưa phù hợp với tờ giải trình cũng như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số ý kiến đại biểu tại hội thảo đề cập các điều khoản về tài chính trong phạm vi dự án luật chưa cụ thể như: Chính sách ưu tiên, phương án chi ngân sách, huy động vốn đầu tư cho ngành dầu khí, vấn đề cạnh tranh thị trường... Từ yêu cầu thực tiễn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định, cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí theo hướng bám sát thực tiễn, giải quyết các vướng mắc hiện tại, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam nhận xét, dự thảo Luật Dầu khí quy định "dự án dầu khí có nội dung xây dựng trên đất liền thì phải bổ sung các báo cáo theo quy định tại Luật Xây dựng mà không nói cụ thể là quy định gì, tìm trong Luật Xây dựng cũng không thấy có". Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho công tác cán bộ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đối với việc hoàn thiện dự án Luật Dầu khí. Trong đó, dự thảo Luật cần thể hiện rõ những vấn đề có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; bổ sung một số nội dung về xây dựng công trình dầu khí; nêu rõ vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đối với sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam…
Những nội dung khác được chuyên gia đóng góp ý kiến là cần có cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí tại khu vực tiềm năng...
Nguồn: congthuong.vn/
lên đầu trang