Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:31

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:29 ngày 08/06/2022

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Thay đổi tư duy, năng lực để “bắt nhịp” với doanh nghiệp FDI

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa phần lớn là vừa và nhỏ, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh bình thường mới, nhiều doanh nghiệp FDI tại nước ta hiện đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi lại các nhà sản xuất để tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh... Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế. Vậy làm thế nào để tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt nhịp cung ứng cho doanh nghiệp FDI, PV Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền về vấn đề này.
Nhiều nhận định cho rằng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, hiện nay phần lớn là vừa và nhỏ, khả năng cung ứng sản xuất cho các doanh nghiệp FDI còn rất thấp. Ông nghĩ gì về điều này?
Trước đây khi nói tới doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì thường là những doanh nghiệp nhỏ, sẽ sản xuất những linh kiện phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng bây giờ hội nhập, chuỗi giá trị phân công trên toàn thế giới. Để mà một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối thì họ sẽ cần rất nhiều các sản phẩm chi tiết, trung gian, những dịch vụ phụ trợ và những sản phẩm này được bố trí và phân bố trên toàn cầu. Cho nên bây giờ các doanh nghiệp phụ trợ không còn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa, mà có thể là doanh nghiệp rất là lớn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ làm những sản phẩm kiểu nhỏ và vừa. Còn những doanh nghiệp lớn thì sẽ tham gia vào những sản phẩm mà có khả năng tích hợp vào những công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm đầu cuối có chất lượng cao.
Hiện Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam
Tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp phụ trợ đơn giản chứ chưa có sản phẩm đầu cuối chất lượng cao. Ô tô thì chỉ có Trường Hải, VinFast …. Một số sản phẩm là đầu cuối thôi, đa phần còn lại chúng ta làm phụ trợ hết. Thì cái phụ trợ của chúng ta ở công đoạn quá đơn giản, vì vậy nên chủ yếu là phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn ở trong nước, còn sản xuất khẩu ra nước ngoài thì còn rất hạn chế.
Đâu là những thách thức khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó tham gia vào chuỗi cung ứng này, thưa ông?
Khó khăn thì có rất nhiều. Thứ nhất tại vì doanh nghiệp nước ngoài họ không tin tưởng đặt hàng các doanh nghiệp của mình. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ mạnh dạn đầu tư công nghệ để làm sản phẩm của người ta. Ở TP. Hồ Chí Minh có những doanh nghiệp mà khách hàng họ đến họ bảo doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, họ sẽ hướng dẫn sản xuất, nhưng doanh nghiệp không dám đầu tư. Nhiều doanh nghiệp sợ là nếu đầu tư máy móc thiết bị, mà mai mốt ông doanh nghiệp này không đặt hàng của mình nữa thì mình sản xuất ra rồi bán cho ai.
Thứ hai là khả năng tương tác với doanh nghiệp đầu cuối rất là hạn chế. Ví dụ như doanh nghiệp đầu cuối đặt hàng, họ thay đổi liên tục. Anh muốn sản xuất thì phải lên một kế hoạch sản xuất rất bài bản và người ta mới theo dõi được cái đó, cho nên mình không đáp ứng được nhu cầu, cho nên người ta cũng ngại đặt.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền
Thứ ba là các doanh nghiệp FDI khi họ qua đây thì họ đã có các doanh nghiệp cung cấp phụ trợ cho họ từ trước rồi. Đây là những bạn hàng đã hợp tác lâu năm và có chiến lược, cho nên họ cũng không dễ dàng thay đổi những đối tác đó. Cho nên rất là nhiều công ty họ vào Việt Nam, họ cũng đặt hàng phụ trợ nhưng lại đặt ở các doanh nghiệp nước ngoài; hay là họ đi qua đây thì họ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ đi theo, cho nên cơ hội của mình bị thu hẹp lại, thì đấy là cái khó khăn.
Để bắt nhịp cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phải làm gì?
Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội nhờ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hạn, mạnh dạn đầu tư công nghệ. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải tiến kỹ thuật trong 1-2 năm đầu hợp tác. Tuy nhiên doanh nghiệp hiện đang có tư duy muốn có đơn hàng luôn mà không đầu tư, nâng cấp trình độ kĩ thuật, chỉ nhìn nhận lợi ích trước mắt mà chưa tính con đường lâu dài trong khi các doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật. Thứ hai, muốn đầu tư thì phải có vốn, nên doanh nghiệp cũng cần tiềm lực tài chính mạnh.
Theo ông Thành phố cần có những chính sách hỗ trợ gì để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI?
Định hướng của TP. Hồ Chí Minh là phát triển công nghiệp phụ trợ. Do vậy, một trong những cách giúp doanh nghiệp mạnh dạn thì chúng ta phải hỗ trợ về mặt tín dụng. Chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh mình có gói kích cầu, thì những doanh nghiệp nào đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thì khi vay ngân hàng, Thành phố sẽ hỗ trợ bao nhiêu % lãi suất, thí dụ lãi suất 12% thì thành phố hỗ trợ 100% hay 50% trên cái số đó. Thì nếu mà mình có cái nguồn hộ trợ như vậy thì doanh nghiệp họ mạnh dạn đầu tư lên, đỡ ngại rủi ro hơn.
Thứ hai là cho doanh nghiệp thấy được nếu mà không bán cho doanh nghiệp này thì mình vẫn còn có thể bán cho những doanh nghiệp khác được. Cho nên về mặt công nghệ, công nghiệp phụ trợ phải là công nghệ tích hợp hay còn gọi là công nghệ linh hoạt. Ví dụ như mình đầu tư công nghệ lõi này thì mình dù không sản xuất chi tiết sản phẩm này thì mình vẫn sản xuất được chi tiết cho sản phẩm khác, để mình đa dạng rủi ro.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương 
lên đầu trang