Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:46

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:46

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:01 ngày 08/06/2022

Phú Thọ đẩy mạnh công tác ATTP, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 1439/KH-UBND đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 (Kế hoạch). 
Kế hoạch hướng đến mục tiêu tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. 
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm chuỗi nông lâm thủy sản an toàn. Từ đó, hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đảm bảo ATTP trong nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. (Ảnh: baochinhphu.vn/)
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản có đăng ký kinh doanh được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Duy trì tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đạt 98,5%. Đồng thời, tăng tỷ lệ các cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện ATTP ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn" lên 12% (6.060 cơ sở) so với năm 2021.
Đối với các diện tích cây trồng chủ lực như chè, bưởi, rau,… hay cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản, Kế hoạch đề ra mục tiêu sẽ áp dụng và nhận được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và tăng 10% (330 ha diện tích trồng trọt và 10 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản) so với năm 2021. 
Cùng với đó, tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô 78 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn hiện có. Trong năm 2022, chỉ đạo xây dựng và phát triển thêm ít nhất 20 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm chủ lực của địa phương, chuỗi liên kết gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ. 
Ngoài ra, Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm 10% so với năm 2021 đối với tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất cấm.  
Đặc biệt, sẽ tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan cấp huyện. Trong đó, mỗi địa phương tổ chức từ 01 đến 02 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, góp phần hoàn thành tối đa Kế hoạch đề ra.
Để đạt được các mục tiêu này, Kế hoạch đã chỉ ra nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, công tác chỉ đạo điều hành và công tác thông tin, truyền thông về ATTP đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện, từ đó giúp các địa phương hiểu đúng, đủ và thực hiện tốt. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng cần được chú trọng, đặc biệt sẽ chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. 
Ngoài ra, các công tác tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động cũng là những giải pháp cần chú trọng. 
Để đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phân công các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan của Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. 
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Phương Loan
lên đầu trang