Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:52

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:52

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:40 ngày 20/06/2022

Sáng chế khoa học công nghệ: Vì sao vẫn dừng ở phòng thí nghiệm?

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, có một nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là các kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo nhiều nhưng lại chậm đưa ra thị trường, thương mại hóa.
Nghịch lý sản phẩm chất lượng, giá thành tốt vẫn khó cạnh tranh
Những năm gần đây, Việt Nam có sự gia tăng về số lượng sáng chế (tăng 16 - 18%/năm), giải pháp hữu ích (6 - 8%/năm), điều này góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tuy nhiên, với 80% nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) tập trung tại viện, trường đại học, các kết quả nghiên cứu, sáng chế được đưa ra thị trường vẫn còn hạn chế.
Là tác giả của hàng chục sáng chế giải pháp hữu ích, TS Lê Văn Tri - Viện trưởng Viện KHCN Sinh học và Môi trường Việt Nam chia sẻ, các sản phẩm KHCN được tạo ra trong nước dù chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn khó cạnh tranh với thương hiệu của DN nước ngoài đã có kinh nghiệm và thâm niên.
Vì vậy, việc ứng dụng sáng chế, sản phẩm KHCN vào thực tiễn của các nhà khoa học trong nước bị hạn chế đáng kể.
Trong khi đó, thị trường KHCN trong nước còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường. Còn vai trò quản lý của Nhà nước và lực lượng quản lý thị trường dành cho sản phẩm KHCN còn lỏng lẻo. Sản phẩm trí tuệ thường bị sao chép, đánh đồng với các sản phẩm thông thường khác, khiến nhà khoa học không mặn mà nghiên cứu.
Các nhà khoa học cần liên kết với DN để đưa sáng chế vào cuộc sống
Thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế. Chưa có những mô hình tổ chức KHCN mới để áp dụng các cơ cế và chính sách đặc biệt. Do đó, cần triển khai thí điểm mô hình hợp tác DN – Nhà khoa học – Nhà nước, từ đó hình thành vườn ươm, DN KHCN trong trường đại học, chú trọng nhiều đến sản phẩm tài sản sở hữu trí tuệ theo mô hình hợp tác DN.
TS Lê Văn Tri - Viện trưởng Viện KHCN Sinh học và Môi trường Việt Nam
TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm thành lập hệ thống DN BK Holdings, từ đó vốn hóa được tài sản tri thức. Tuy nhiên các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ của trường vẫn còn nhiều khó khăn. Giữa nghiên cứu hàn lâm và sản phẩm thương mại vẫn còn khoảng cách. Những sản phẩm đó mới dừng lại ở mức sản phẩm mẫu, muốn ra tới thị trường phải qua khâu hoàn thiện và kiểm thử.
Chỉ ra điểm nghẽn của thị trường các sản phẩm KHCN, Trưởng làng Sáng chế và DN đổi mới sáng tạo Trần Giang Khuê chia sẻ, hoạt động thương mại hóa sáng chế và tài sản trí tuệ hiện nay gặp nhiều thách thức do việc nghiên cứu, sáng tạo còn ở phạm vi hẹp, tự phát, chưa sát với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, sáng chế còn yếu về thông tin, kiến thức kỹ năng, nguồn lực, kinh phí… cho việc nghiên cứu, sáng tạo cũng như thương mại hóa sáng chế.
Cần tăng cường liên kết “3 nhà”
Sáng chế là tài sản trí tuệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thương mại hóa thành công các sáng chế là yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám.
Để đưa các sáng chế khoa học đến gần hơn với đời sống, Chủ tịch Hiệp hội DN KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo cho rằng, muốn thị trường KHCN sôi động thì việc kết nối giữa nhà nghiên cứu và DN là vô cùng quan trọng. Muốn chiếm được niềm tin của xã hội cần đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó chúng ta còn thiếu các chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu khảo nghiệm ứng dụng, cũng như nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động này.
Có một thực tế là sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được thị trường, bởi  nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Vì vậy,  để đưa được sáng chế ra thị trường cần phải hội tụ 3 yếu tố, gồm: Sáng tạo có tính ứng dụng cao, giải quyết nhu cầu cụ thể và của thị trường; nhà khoa học có nguồn tài chính ươm tạo hỗ trợ ban đầu; phải có tổ chức hỗ trợ trung gian chuyên nghiệp độc lập với hệ thống hàn lâm trong trường đại học, viện nghiên cứu.
Còn theo TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường - DN và KHCN (Bộ KH&CN) cho rằng, câu chuyện tăng cường liên kết giữa 3 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - DN để đưa ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của DN đã được đề cập từ nhiều năm, nhưng đến nay mối liên kết vẫn hết sức lỏng lẻo. Việc nghiên cứu KHCN khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KHCN ra thị trường khó bấy nhiêu.
Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm KHCN rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy nản lòng. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cùng DN cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học, có nguồn thu bền vững. Điều quan trọng nhất chính là giải quyết về thủ tục giải ngân.
Định hướng của Bộ KH&CN trong thời gian tới là ủng hộ những đề tài xuất phát từ nhu cầu của DN và xã hội. Làm sao để các giao dịch mua - bán công nghệ trên thị trường phải sôi động, đủ hấp dẫn để đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ. Trước mắt, Bộ đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm chính sách về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
Theo Báo Kinh tế đô thị
lên đầu trang