Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:03

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:03

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:03 ngày 23/06/2022

Phú Thọ đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Cùng với việc dạy và học, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm của nhiều phụ huynh có con học bán trú tại các cơ sở giáo dục. Do đó, công tác kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn luôn được các nhà trường quan tâm, sát sao. 
Đối với tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 400 bếp ăn tập thể trường học. Trong năm học 2021 - 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại 44 trường học trên địa bàn 11 huyện, thị xã. Qua kiểm tra, 100% nhân viên trong các bếp ăn có kiến thức và thực hành tốt về an toàn thực phẩm, 82% bếp ăn tập thể trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo.
Bên cạnh đó, hầu hết các bếp ăn tập thể của các trường đều có đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đa số các bếp ăn đều sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm chế biến bao gói sẵn có đầy đủ nhãn mác và còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành lấy 98 mẫu thực phẩm và dụng cụ dùng trong ăn uống để test nhanh. Kết quả các mẫu đều đạt hoặc trong giới hạn cho phép.
Nhân viên bếp ăn tại Trường Mầm non Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ mang găng tay, khẩu trang và đội mũ khi chế biến thức ăn. (Ảnh: https://phutho.gov.vn/)
Tuy nhiên, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ, một số bếp ăn tại trường học trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, nguồn nước dùng trong ăn uống của một số trường chưa được kiểm nghiệm định kỳ chất lượng sản phẩm,… tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học cần phải được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Theo đó, các trường học có bếp ăn bán trú cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn.
Cụ thể, các trường cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia, nước uống, đảm bảo các thực phẩm đưa vào nhà trường đều có nguồn gốc, còn hạn sử dụng. Đối với sản phẩm bao gói sẵn, cần kiểm tra kỹ nhãn mác, thông tin chi tiết về sản phẩm, hạn sử dụng. Cùng với đó, các nhà trường cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn cũng như nâng cao kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho cán bộ phụ trách và nhân viên phục vụ tại bếp ăn. Ngoài ra, các trường học chỉ nên ký hợp đồng với các cơ sở có uy tín, chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ, cần tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo và ngành y tế trong công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, qua đó giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong trường học, góp phần đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ cho biết, hàng năm, trong quá trình kiểm tra, Chi cục đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các trường học thực hiện các quy định đối với bếp ăn trường học. Các trường học, nhất là các trường mầm non đã chú trọng đầu tư xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất khu vực bếp ăn; thực hiện tốt kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng, tuân thủ đúng quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn…, góp phần hạn chế tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Bích Phương
lên đầu trang