Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:26

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:26

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:29 ngày 10/07/2022

Trung Quốc sẽ phối hợp với Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định mới về nhập khẩu nông sản

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249.
Ngày 7/7, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NNPTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”.
Doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả vào EU gặp thách thức gì?
Ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group (đơn vị chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu) chia sẻ: Hiện tại, sản phẩm do Công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.
Theo ông Khang, trên thực tế, Công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.
Do đó, ông Khang bày tỏ mong muốn, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.
Để xuất khẩu rau, củ, quả sang EU thuận lợi, ông Khang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc BVTV, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại. Do đó, các doanh nghiệp cần phát huy tư duy “một người vì tất cả, tất cả vì một người”.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu rau, củ quả vào thị trường EU là dư lượng thuốc BVTV, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc...
Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Ví dụ, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.
Đơn cử như trái mận hậu, khi xuất khẩu vào thị trường EU thì không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.
“Về tổng thể, HTX, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng EU, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu”, bà Hiền chia sẻ.
Nhận định EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, bà Hiền mong muốn những đặc sản vùng miền hoặc sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại châu Âu.
Nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, để xuất khẩu rau, củ, quả thuận lợi, doanh nghiệp, HTX, người dân cần nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu, từ đó đảm bảo giao thương không bị gián đoạn.
Ông Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến ATTP và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.
So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Ông Nam cho rằng, điều này phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay. Chia theo nhóm lĩnh vực, 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, để xuất khẩu rau, củ quả thuận lợi, doanh nghiệp, HTX, người dân cần nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu, từ đó đảm bảo giao thương không bị gián đoạn.
Tại diễn đàn, ông Nam cũng giới thiệu một số biện pháp SPS liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm. Theo ông, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng ATTP, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.
Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. 
“Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban SPS-WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.
Với Trung Quốc, ông Nam thông tin, rằng khoảng 2 năm nước bạn sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO.
Thông qua diễn đàn, ông Nam cũng báo tin vui cho doanh nghiệp, HTX trong nước, rằng Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.
Nguồn: danviet.vn/
lên đầu trang