Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:15

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:15

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 18:33 ngày 11/07/2022

TP. Hồ Chí Minh: Phát huy hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

UBND TP. HCM vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất, lưu thông và tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước. Nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) đã được thành lập theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ quan thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau gần sáu năm hoạt động thí điểm trên các lĩnh vực, Ban Quản lý đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là đầu mối thống nhất tham mưu cho UBND thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phối hợp các sở - ngành, quận - huyện, tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hành động; triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Cụ thể, về xây dựng bộ máy tổ chức, Ban Quản lý được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nhân sự từ 03 sở fồm Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tính đến thời điểm ngày 15 tháng 5 năm 2022, Ban Quản lý vẫn duy trì 06 phòng chức năng với tổng cộng 381 nhân sự. Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước, đồng thời tranh thủ hợp tác quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu về an toàn thực phẩm. 
Theo đó, Ban Quản lý đã cử 1.373 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý. Đặc biệt phối hợp với Trường Thanh tra Chính phủ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra chuyên ngành của Ban và của quận huyện theo Quyết định số 47/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại Chợ Kim Biên. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Trong khi đó, vấn đề hợp tác quốc tế cũng được Ban Quản lý đặc biệt quan tâm. Không chỉ phối hợp làm việc với các đoàn công tác của nước ngoài đến học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn như Tổng Lãnh sự quán New Zealand, Tổng Lãnh sự quán Ý, Bộ Y tế Campuchia, Tổng Lãnh sự quán Hà Lan, Đoàn công tác của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB), Ban Quản lý còn tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các nước. Qua đó đã góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn thí điểm.
Về triển khai công tác phối hợp với các đơn vị, Ban Quản lý đã thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Với quận - huyện, ngay từ khi thành lập, Ban Quản lý đã được giao trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác an toàn thực phẩm đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Thủ Đức và quận - huyện. Các hoạt động được thường xuyên triển khai như: Tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý với các Sở - ngành và UBND Thành phố Thủ Đức và quận - huyện; thường xuyên rà soát, thay thế, bổ sung kịp thời thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm khi có thay đổi, luân chuyển hoặc nghỉ hưu; phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Thủ Đức và quận - huyện trong công tác giám sát an toàn thực phẩm Chương trình Sữa học đường tại các trường học và giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn,...
Với sở - ngành, với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố, Ban Quản lý đã đã phối hợp với các sở - ngành thực hiện các nội dung phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, tham mưu kịp thời về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn như: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cùng nhiều sở - ngành khác.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng phối hợp với các vụ, cục, viện chuyên ngành của các bộ chủ quản trong công tác thẩm định, ủy quyền thẩm định các cơ sở sản xuất thực phẩm, định kỳ báo cáo và cung cấp thông tin quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn theo chỉ đạo, phối hợp thực hiện các dự án về an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tuyến thành phố và quận - huyện. Ngoài ra, phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, quản lý và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện Ban Quản lý cũng cho biết, đơn vị này còn tham khảo ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể cấp thành phố trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý nhằm phối hợp thực hiện những chủ trương, chính sách của thành ủy và UBND thành phố. 
Đặc biệt, với mô hình thí điểm thống nhất một đầu mối, nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, Ban Quản lý đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng và người hành nghề, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong công tác cấp phép an toàn thực phẩm. Cùng với đó là xây thực phẩm sạch trong cả hai khâu sản xuất và kinh doanh phân phối, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng; phát triển mô hình kinh doanh hiện đại và cải thiện kinh doanh truyền thống - xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn. Kế hoạch hành động của Ban Quản lý còn tập trung vào công tác chống thực phẩm bẩn. Trong đó, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra thông qua việc triển khai mô hình các Đội quản lý An toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và các quận - huyện; phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua việc tăng cường giám sát chất lượng, triển khai các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho trường học, bệnh viện, công ty, thức ăn đường phố, lễ hội, sự kiện.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong gần sáu năm hoạt động của Ban Quản lý đã cho thấy việc thành lập mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố - kết hợp lực lượng từ 03 sở là một bước đột phá của Thành ủy, UBND TP. HCM trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của thành phố và tình hình thực tiễn của địa phương. Việc Ban Quản lý căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể, rõ ràng đã tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế phối hợp quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có diện tích 2.095,54 km2, dân số hiện nay khoảng 10 triệu người, nếu tính cả khách vãng lai khoảng 13 triệu người; là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực và cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm chức năng sản xuất trong nước và nhập khẩu. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang