Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 16:56

Thứ năm, 25/04/2024 | 16:56

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 13:56 ngày 13/07/2022

Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ mới

Là một trong những đơn vị hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin tập trung lực lượng lượng lớn các nhà khoa học, có truyền thống bề dày kinh nghiệm 50 năm nghiên cứu các công trình, đề tài khoa học, giải pháp, sáng kiến giúp cho sự phát triển của ngành mỏ Việt Nam.
Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng và triển khai thực hiện những công trình đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn từng bước nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ và phát triển vững chắc ở hầu hết các lĩnh vực: công nghệ khai thác; tuyển, chế biến, sử dụng than, khoáng sản; phát triển điện, năng lượng, vật liệu mới; kĩ thuật tự động hóa; chế tạo máy móc, thiết bị điện, an toàn; bảo vệ môi trường... tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Tập đoàn cũng như góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 -2021, Viện đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và an toàn sản xuất. Các công trình nghiên cứu của Viện đều xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải giải quyết các khó khăn, phức tạp của thực tiễn sản xuất và các định hướng phát triển lớn của ngành, nhất là các định hướng về cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa, áp dụng công nghệ mới.
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin hiện có 334 cán bộ công nhân viên chức làm việc, với 4 phòng và 14 phòng nghiên cứu sâu thuộc các lĩnh vực chuyên môn. (Ảnh: imsat.vn)
TS. Đào Hồng Quảng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin cho biết, trong lĩnh vực công nghệ khai thác mỏ, Viện đã thực hiện tư vấn điều chỉnh công trình xây dựng mỏ hầm lò Núi Béo, Mỏ Khe Chàm II - IV, tư vấn, thiết kế mỏ khoáng sản như mỏ đồng Vi Kẽm - Lào Cai, mỏ thiếc Tây Núi Pháo; lập phương án kỹ thuật khai thác hầm lò phần lò giếng mỏ than Khe Tam, Công ty than Dương Huy. Viện cũng đã hướng dẫn thi công công nghệ gia cường khối đá bằng bơm ép vữa xi măng, hóa chất phục vụ thi công lò qua các điều kiện địa phức tạp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật nâng cao tốc độ và năng suất đào lò, giải pháp chống giữ gia cường, áp dụng neo composite chống giữ các đường lò, áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò; tư vấn thiết kế khai thác và tận thu tối đa tài nguyên; tư vấn mở rộng, nâng công suất tại mỏ Na Dương, Suối Lại, Vàng Danh, Mạo Khê, mỏ đồng Sin Quyền, mỏ bauxit Nhân Cơ ... góp phần duy trì sản lượng than - khoáng sản lộ thiên.
Hay trong lĩnh vực công nghệ tuyển khoáng, luyện kim, Viện đã thực hiện tư vấn nâng cao chất lượng cho các nhà máy sàng tuyển như: Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1; Nhà máy tuyển than Khe Thần; Lép Mỹ, Na Dương; tư vấn duy trì, nâng cấp hệ thống sàng tuyển than tại Nam Mẫu, Thống Nhất, thiết kế giai đoạn II Trung tâm chế biến và kho than tập trung Hòn Gai, xây dựng định mức hao hụt bốc dỡ than nhập khẩu, tỷ lệ hao hụt alumina/hydroxit nhôm trong các công đoạn tiêu thụ, xuất khẩu; Đánh giá đề xuất phương án cải tiến công suất các tổ hợp nhà máy alumin... Đặc biệt, Viện đã hoàn thành và nghiệm thu thiết kế Xưởng tuyển xỉ thuộc thầu liên danh Dự án đầu tư nhà máy luyện đồng Bản Qua, Lào Cai, công suất 20.000 tấn/năm.
Công trình Nhà máy tuyển quặng bauxit Tân Rai, công trình do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin tư vấn, thiết kế. (Ảnh: imsat.vn)
Còn trong lĩnh vực điện - tự động hóa, chế tạo thiết bị, Viện đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN thực hiện giải pháp tự động hóa cho các đơn vị như: Núi Béo, Khe Chàm II-IV, Thống Nhất, Mông Dương; lập Báo cáo NCKT, lập thiết kế duy trì sản xuất mỏ, đầu tư thiết bị mỏ, cơ khí, hệ thống điện; lắp đặt thiết bị của dự án tự động hóa Tân Lập - Công ty than Hạ Long; sửa chữa hệ thống camera Công ty Nhôm Đắk Nông, hệ thống điều khiển rải quặng tinh phân xưởng mỏ tuyển tại Lâm Đồng... Đáng chú ý là việc Viện đã nội địa hóa một số loại thiết bị như vì chống thủy lực các loại (giá khung thủy lực, giàn tự hành, giàn mềm.); xác kết cấu cơ khí, bộ phận chi tiết thủy lực: cột, kích thủy lực, van điều khiển; thiết bị trong nhà máy sàng tuyển như máy rửa cánh vuông, máy cô đặc; một số thiết bị hệ thống trục tải giếng đứng: cốt giếng, tháp giếng, thùng cũi, hệ thống cấp dỡ tải.
Ngoài ra, trong lĩnh vực địa cơ mỏ, môi trường, kinh tế mỏ, Viện đã thực hiện lập bản đồ cơ lý đá, công tác nghiên cứu, đánh giá ổn định và đề xuất giải pháp nâng cao ổn định bờ mỏ, bãi thải cho các mỏ trong Tập đoàn; quan trắc, đánh giá sự tác động của các dự án đầu tư đến môi trường đã giúp các doanh nghiệp trong ngành sớm có giấy phép khai thác và tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Đối với công tác tư vấn kinh tế, Viện đã thực hiện xây dựng hệ thống hóa các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành chung của TKV; xây dựng định mức đối với các lĩnh vực sản xuất than - khoáng sản...
Nhà máy sàng - tuyển than Lép Mỹ do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin tư vấn, thiết kế lắp đặt. (Ảnh: imsat.vn)
Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn mỏ, đào tạo, Viện đã thực hiện kiểm định thiết bị hầm lò, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp, lấy mẫu, phân tích tính tự cháy của than, xác định độ chứa khí, thoát khí, bảo trì hệ thống quan trắc,... đồng thời thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật công nghệ khai thác - an toàn mỏ hầm lò cho các đối tượng là học sinh của Trường Cao đẳng TKV, công nhân mỏ hầm lò và Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nhận biết, xử lý nguy cơ và giải pháp thoát hiểm trong quá trình khai thác mỏ cho các đối tượng là Quản đốc, Phó Quản đốc mỏ theo chỉ đạo của Tập đoàn góp phần nâng cao ý thức của cán bộ công nhân mỏ, đảm bảo an toàn và giảm thiểu các tai nạn xảy ra trong quá trình khai thác tại các mỏ hầm lò.
Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2021, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã thực hiện tổng số 74 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn TKV với tổng kinh phí 178,045 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Viện sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu triển khai, các đề tài, công trình nghiên cứu của Viện sẽ tập trung hướng tới giải quyết các vấn đề từ thực tế sản xuất, đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất.
Trong 5 năm (2017 - 2021), tổng doanh thu của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đạt được là 1.107.368 tỷ đồng, bình quân doanh thu 221,474 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân 7-10%/năm, trong đó giá trị từ hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ đạt 840,721 tỷ chiếm tỷ lệ 76% tổng doanh thu. Lợi nhuận đạt 12,146 tỷ đồng, đạt theo giao khoán của Tập đoàn và kế hoạch sản xuất kinh doanh từng năm của Viện. Năng suất lao động bình quân đạt 579 triệu đồng/người/năm.
Hà Nguyễn

lên đầu trang