Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:45

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:45

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 06:36 ngày 14/07/2022

VIMLUKI phát huy nội lực trong hoạt động nghiên cứu, triển khai, dịch vụ khoa học công nghệ

Năm 2022, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) kỷ niệm 55 năm thành lập. Trong chặng đường phát triển hơn nửa thế kỷ, Viện đã không ngừng nỗ lực, phát huy nội lực trong các hoạt động nghiên cứu, triển khai, dịch vụ khoa học công nghệ, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI cho biết, trong 55 năm hoạt động, mặc dù có nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với thay đổi của Bộ chủ quản, song, chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của Viện cho đến hiện nay vẫn không thay đổi mà chỉ mở rộng và chi tiết hơn. Hoạt động chuyên môn của Viện tập trung vào 03 lĩnh vực chính là nghiên cứu-triển khai khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và môi trường công nghiệp. Thứ hai là làm dịch vụ khoa học công nghệ và thứ ba là thử nghiệm sản xuất kinh doanh. 
Nhà máy luyện xỉ titan Bình Định do Vimluki tư vấn cải tạo đổi mới công nghệ (Ảnh: VIMLUKI)
Trong lĩnh vực nghiên cứu-triển khai khoa học công nghệ, trong 55 năm hoạt động, Viện đã thực hiện hàng ngàn đề tài, dự án, đề án khoa học công nghệ các cấp, nghiên cứu giải pháp quản lý. Kết quả của các nhiệm vụ khoa học công nghệ này là hàng loạt sản phẩm phục vụ định hướng phát triển và quản lý ngành cũng như các sản phẩm phục vụ ngành, doanh nghiệp. Trong đó, các sản phẩm phục vụ định hướng phát triển và quản lý ngành bao gồm các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy trình hay sản phẩm, các định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản... làm công cụ để các cấp quản lý Nhà nước định hướng phát triển và ban hành các chính sách quản lý đối với hoạt động của ngành công nghiệp mỏ.
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI nêu dẫn chứng: "Tiêu biểu là các công trình như Đề án “Quy hoạch phát triển Ngành Đất hiếm Việt Nam 1991-2000”; Dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn 2005-2010 có xét tới năm 2020; quặng titan giai đoạn 2005-2010 có xét tới năm 2020; quặng mangan, cromit giai đoạn 2005-2010, tầm nhìn đến năm 2025; khoáng chất công nghiệp: barite, spertin, graphite, fluorite, bentonite, diatomite và talc giai đoạn 2006-2010 có xét tới 2025; quặng vàng, đồng, niken, molipden giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn đến 2025; quặng titan giai đoạn đến 2020 tầm nhìn đến 2030; quặng bôxít giai đoạn đến 2020 tầm nhìn đến 2030; quặng vàng, đồng, niken, molipden giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035; Dự án quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 đến 2020 có xét đến 2025; Dự án điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến 2025, định hướng đến 2035".
VIMLUKI làm việc với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh về tình hình thực hiện lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. (Ảnh: VIMLUKI)
Đặc biệt, với kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản do Bộ Công Thương quản lý như trên, năm 2021, Viện đã tham gia dự thầu và được Bộ Xây dựng tin tưởng giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược”. Đây là nhiệm vụ tư vấn lập quy hoạch lớn lần đầu tiên Viện thực hiện với cơ quan ngoài Bộ Công Thương. Quy hoạch này sẽ là cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời sẽ là tiền đề mở ra một lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ mới cho Viện.
Trong khi đó, các sản phẩm phục vụ ngành, doanh nghiệp do Viện thực hiện bao gồm các công nghệ, giải pháp kỹ thuật cho khai thác các mỏ khoáng sản, công nghệ tuyển làm giàu các loại khoáng sản, công nghệ luyện kim, môi trường và các loại thiết bị sử dụng trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản để phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và thử nghiệm sản xuất ngay tại Viện để đảm bảo sự ổn định của công nghệ trước khi chuyển giao cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, suốt chiều dài 55 năm hoạt động, các công trình R-D của Viện bao trùm hầu hết các loại khoáng sản kim loại và phi kim của Việt Nam và gắn với các nhà máy, các mỏ tiêu biểu cho ngành khai thác, chế biến khoáng sản kim loại màu của Việt Nam.
Sản phẩm bạc vạn năng do các nhà khoa học VIMLUKI chế tạo. (Ảnh: VIMLUKI) 
Trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ, từ các kết quả nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ đã tích lũy và thực hiện nghiên cứu dịch vụ cho các doanh nghiệp, Viện đã thực hiện nhiều dịch vụ như nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác, tuyển quặng, luyện kim..., tư vấn lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng, chế tạo, cung cấp lắp đặt thiết bị, chuyển giao nhà máy hoạt động ổn định cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, các sản phẩm dịch vụ khoa học công nghệ của Viện luôn được các đối tác tin tưởng, đánh giá cao.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để kiểm chứng các kết quả nghiên cứu và rút ngắn khoảng cách giữa tính toán và thực tế sản xuất, ngay từ sau năm 1975, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động sản xuất thử nghiệm, các sản phẩm đầu tiên khởi nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là quặng tinh (thiếc, chì-kẽm, volfram,…), các kim loại thiếc, antimon, các hợp kim, sản phẩm cán, kéo kim loại màu. 
Trên cơ sở thành công của thử nghiệm sản xuất các sản phẩm quặng tinh, kim loại, hợp kim này, Viện phát triển mạnh sản xuất thiếc kim loại thông qua hợp đồng luyện thiếc xuất khẩu loại 2 cho Xí nghiệp Mỏ - Tuyển thiếc của Quỳ Hợp-Nghệ An. Tiếp sau đó, Viện tiến tới tự thu mua quặng để luyện, sản xuất thiếc kim loại ở cả 3 khu vực Hà Nội, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh. "Công nghệ tuyển, luyện thiếc của Viện đã tiệm cận trình độ thế giới về các chỉ tiêu công nghệ và định mức sản xuất với chất lượng đạt 99,99% Sn. Hiện nay, Viện là đơn vị sản xuất Sn kim loại lớn nhất VN, chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất với sản lượng 800-1000 tấn Sn kim loại mỗi năm" - TS. Đào Duy Anh nhấn mạnh.
Thiết bị chỉnh lưu đảo chiều 1500A-60V (Ảnh: VIMLUKI)
Cùng với thử nghiệm sản xuất kim loại, hợp kim, công tác nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị cũng được Viện đẩy mạnh. Các máy móc phục vụ công nghiệp khai khoáng mang thương hiệu VIMLUKI có mặt trên thị trường là lò điện hồ quang, vít xoắn, bàn đãi (ướt và khí), máy tuyển từ, máy tuyển điện, lò sấy quay, nồi graphit và thiết bị thu bụi công nghiệp. Máy tuyển từ, máy tuyển điện, vít xoắn, các thiết bị và các chi tiết máy này vẫn được duy trì sản xuất đến hiện nay khi có đặt hàng, đồng thời, Viện còn mở rộng sang sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ ngành giao thông, xây dựng và dân sinh.
Như vậy, qua 55 năm hoạt động, kim loại màu, kim loại quý, hiếm vẫn là các đối tượng cốt lõi trong cả 03 lĩnh vực trọng tâm của Viện là nghiên cứu-triển khai khoa học công nghệ, làm dịch vụ khoa học công nghệ và thử nghiệm sản xuất kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc khoáng sản. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, những năm gần đây, Viện đã mở rộng các đối tượng nghiên cứu sang cả các đối tượng luyện kim đen, khoáng sản phi kim và dịch vụ khoa học công nghệ cho ngành than. "Đa dạng hóa các đối tượng khoáng sản đã mở rộng môi trường hoạt động, tăng nguồn công việc, đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của Viện cũng như vị thế, thương hiệu của Viện trong ngành công nghiệp mỏ Việt Nam" - TS. Đào Duy Anh khẳng định.
Ghi nhận những đóng góp của Viện vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và các Bộ, Ban, Ngành, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội... đã trao tặng cho Viện và những cá nhân xuất sắc nhiều Huân, Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen, giấy khen và các giải thưởng khoa học công nghệ.   
Hà Nguyễn
Tag:
lên đầu trang