Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:28

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:28

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:51 ngày 15/07/2022

Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 359 đoàn kiểm tra, trong đó tuyến tỉnh có 15 đoàn, tuyến huyện có 27 đoàn và tuyến xã là 317 đoàn. Kết quả, các đoàn đã tiến hành kiểm tra 6.619 cơ sở, phát hiện 362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 5,5%), phạt tiền 303 cơ sở (chiếm 83,7% số cơ sở vi phạm) với số tiền phạt hơn 550 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm có giá trị cao (2842,8kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn và một số hàng hóa vi phạm khác….). Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang. Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Đối với công tác kiểm soát mối nguy, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, để kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, các ngành chức năng Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và các địa phương đã tiến hành lấy 2.104 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng, nguyên liệu chế biến thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả, có 2.072/2.104 mẫu được xét nghiệm đạt các chỉ tiêu về achất lượng an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 98,5% (các mẫu không đạt chủ yếu là độ sạch bát đĩa, dầu mỡ chiên rán và phẩm màu…).
Kiểm tra lưu mẫu thực phẩm tại Khách sạn BMC (Hà Tĩnh). (Ảnh: https://antoanvesinhthucpham.vn/)
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên với 04 người mắc, không có trường hợp tử vong. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 406 ca ngộ độc lẻ tẻ. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, địa phương đã tiến hành điều tra, xử lý và báo cáo cấp trên theo quy định.
Về công tác cấp các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã cấp 288 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đã tiếp nhận 24 bản tự công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân để lưu trữ và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành theo đúng quy định. Các hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý đảm bảo đúng thời gian quy định theo thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng tới công tác truyền thông, giáo dục an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Các hoạt động truyền thông đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả góp phần tích cực đến hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Lộc Hà tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại huyện Lộc Hà với gần 200 đại biểu tham dự. Cùng với đó, tổ chức 22 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 1.650 người tham dự; 32 buổi nói chuyện, 710 người nghe.
Tỉnh cũng đã ký cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với trên 800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, giám sát, các đoàn kiểm tra còn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, trong sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm như hồ sơ hành chính pháp lý về an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và con người,  quy định về đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ, nhãn mác hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý an toàn thực phẩm của tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan như: Thông tin được cập nhập tới các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được tiếp cận các thông tin về an toàn thực phẩm; kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn được triển khai đồng bộ và quyết liệt; giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm;...
Bích Phương
lên đầu trang