Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:39

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:39

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:16 ngày 22/07/2022

Viện Công nghiệp Thực phẩm: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ

Thành lập ngày 21 tháng 7 năm 1967, Viện Công nghiệp Thực phẩm là đơn vị đầu ngành Công Thương về nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đơn vị được Bộ Công Thương giao theo dõi trực tiếp các hoạt động chuyên môn của Viện đã có những chia sẻ về Viện trong thời gian tới.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)​
PV: Nhìn lại 55 năm xây dựng và phát triển của Viện Công nghiệp thực phẩm, với cương vị là người đứng đầu đơn vị được giao theo dõi trực tiếp các hoạt động chuyên môn của Viện, ông đánh giá thế nào về vai trò của Viện Công nghiệp thực phẩm đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm nước nhà?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Đứng ở góc độ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chúng tôi đánh giá cao những đóng góp đáng trân trọng của Viện đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam trong suốt 55 năm qua. Thời kỳ kháng chiến, Viện đã nghiên cứu sản xuất các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng dạng khô cung cấp cho chiến trường. Tại hậu phương, các sản phẩm thay thế gạo từ khoai, sắn, các loại gia vị, nước chấm do Viện nghiên cứu sản xuất cũng góp phần cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là thời kỳ bao cấp sau chiến tranh, các sản phẩm đường nha, mỳ chính, đậu phụ, tương, rượu màu, bia, nước chấm, acid citric do Viện sản xuất đã góp phần giảm thiểu khó khăn do khan hiếm hàng thực phẩm trong nước. 
Giai đoạn mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới đem lại cho các viện nghiên cứu trong nước nói chung và Viện Công nghiệp Thực phẩm nói riêng nhiều cơ hội và thách thức mới. Một mặt, việc mở cửa tạo cơ hội cho Viện tiếp thu phổ công nghệ đa dạng của thế giới, tạo điều kiện cho những giải pháp khắc phục khó khăn của sản xuất trong nước; đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ cũng được cải thiện. Mặt khác, yêu cầu tự chủ tài chính, vị thế độc tôn về công nghệ không còn đã tạo áp lực rất lớn cho các viện nghiên cứu. 
Nhưng chính giai đoạn này đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Viện với nhiều nghiên cứu phát triển công nghệ và chuyển giao ứng dụng tại doanh nghiệp. Với sự phát triển của đội ngũ cán bộ nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm, hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ và sản xuất được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động. Viện đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới nhằm bắt kịp xu thế thế giới và đã sở hữu hàng chục bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, bằng lao động sáng tạo, hàng trăm công bố trong nước và quốc tế, góp phần đào tạo hàng trăm cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học. Quan hệ quốc tế của Viện đã có bước chuyển từ tiếp nhận viện trợ, công nghệ sang hợp tác đối tác, đặt hàng nghiên cứu. 
Có thể nói, Viện Công nghiệp Thực phẩm hiện được đánh giá là một trong những viện có tiềm lực nghiên cứu mạnh của Bộ Công Thương.
PV: Với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp, Bộ Công Thương sẽ đặt ra những yêu cầu gì với Viện Công nghiệp thực phẩm trong giai đoạn tới, thưa ông?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Trong vài năm trở lại đây, sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Chỉ tính riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 48.6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa tăng trưởng về sản lượng của nông nghiệp Việt Nam không còn nhiều do phần lớn diện tích canh tác đã được sử dụng và năng suất nông nghiệp đã đạt gần ngưỡng giới hạn. Xu thế tất yếu trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào yếu tố chất lượng và đặc biệt là công nghệ chế biến. Để tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi những công nghệ có tính cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm, chi phí nguyên liệu, năng lượng và tác động môi trường. Nhu cầu của doanh nghiệp đặt cho các cơ sở nghiên cứu trong nước nhiều thách thức mới. 
Do đó, để đáp ứng những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến trong giai đoạn tới, Viện Công nghiệp thực phẩm cần tiếp tục đảm đương tốt vai trò đầu tàu trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của một viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Bộ Công Thương. Trước mắt, xác định nhu cầu tiếp cận công nghệ, thích ứng công nghệ với nguyên liệu và điều kiện sản xuất địa phương của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lớn, Viện cần tiếp tục duy trì khả năng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về lâu dài, Viện cần trở thành địa chỉ cung cấp những công nghệ có khả năng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đây là một nhiệm vụ không đơn giản và cần được đầu tư thích đáng về vật chất, nhân lực và thời gian. Viện cần xây dựng những định hướng nghiên cứu có tầm nhìn dài hạn, hướng tới công nghệ chế biến các nông sản chủ lực của Việt Nam, có khả năng thu hút đầu tư từ Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Viện cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm khắc phục những hạn chế về nguồn lực.
PV: Theo ông, trên góc độ là đơn vị tham mưu, tư vấn cho Bộ Công Thương các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), đâu là những vấn đề Viện cần chú trọng trong hoạt động của mình?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Với dân số đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới, cùng nền kinh tế đa dạng về trình độ công nghệ và sự hòa nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, ATTP luôn là một vấn đề nóng của Việt Nam. Là một viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Bộ Công Thương, chúng tôi kỳ vọng, Viện sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về ATTP như: Rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nhóm thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý; Kịp thời cảnh báo những phát sinh về ATTP trong thị trường nội địa, nhập khẩu và thị trường xuất khẩu; Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp và người dân về ATTP; Phát triển công nghệ đảm bảo ATTP. Ngoài ra, với vai trò tư vấn, Viện cần xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động môi trường của các nhóm ngành thực phẩm, tạo cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ chủ quản.
PV: Trong nhiều cuộc họp trước đây, Viện Công nghiệp thực phẩm đã đề xuất ý tưởng về việc xây dựng “Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ”. Ông đánh giá tính khả thi của ý tưởng này như thế nào, thưa ông?
Đánh giá các chỉ tiêu ATTP tại Viện Công nghiệp Thực phẩm
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Về nguyên tắc, việc hình thành Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện các mục tiêu: Tạo cầu nối giữa các nhà cung cấp công nghệ và doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ thông qua các hoạt động quảng bá, trình diễn; Xây dựng các giải pháp công nghệ hoành chỉnh thông qua hoạt động kết nối các nhà cung cấp công nghệ; Tạo diễn đàn trao đổi về nhu cầu, công nghệ, chính sách cho doanh nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan quản lý; Phát triển nghiên cứu thích ứng, hoàn thiện công nghệ, đề xuất các hướng nghiên cứu mới theo nhu cầu xã hội; Tạo doanh thu từ hoạt động khoa học công nghệ. 
Ý tưởng này phù hợp với chủ trương của Nhà nước về thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu xã hội thể hiện trong Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. 
Với tiềm lực nghiên cứu của mình, tôi tin tưởng rằng việc triển khai xây dựng Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ của Viện sẽ khả thi. Với bề dày kinh nghiệm, thành tích đã được tích lũy qua 55 năm hình thành và phát triển, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm và đổi mới sáng tạo của tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động Viện hiện nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự đột phá trong hoạt động của Viện trong thời gian tới, luôn xứng đáng là đơn vị đầu ngành Công Thương về nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(Nguồn: Bản tin Khoa học và Công nghệ, số 48-tháng 7/2022)
lên đầu trang