Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 16:14

Thứ năm, 28/03/2024 | 16:14

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 15:16 ngày 17/03/2023

VIMLUKI xây dựng phương pháp xác định hàm lượng một số thành phần kim loại trong tinh quặng thiếc

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng phương pháp xác định hàm lượng một số thành phần kim loại trong tinh quặng thiếc” nhằm xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp xác định hàm lượng Sn, Fe, Cu, Pb, Bi, Sb, trong tinh quặng thiếc.
Với sự phát triển không ngừng của các ngành công nghệ cao, nhu cầu sử dụng kim loại thiếc ngày càng lớn, kèm theo yêu cầu về sự chuẩn xác trong xác định thành phần kim loại cũng như đánh giá chất lượng của tinh quặng thiếc ngày càng chặt chẽ. Để phục vụ cho công tác này thì các phòng thí nghiệm chuyên ngành cũng đã chủ động xây dựng bộ quy trình phân tích cho riêng mình. 
Tuy nhiên, những phép thử, quy trình này chỉ mới dừng lại ở tiêu chuẩn nội bộ của từng phòng thí nghiệm riêng lẻ, chưa được đồng bộ hóa với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Điều này sẽ gây một số khó khăn đối với cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất trong việc quản lý cũng như kiểm soát chất lượng tinh quặng thiếc, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đối với các khâu sản xuất sản phẩm. 
Từ thực trạng này, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã kiến nghị với Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng phương pháp xác định hàm lượng một số thành phần kim loại trong tinh quặng thiếc” nhằm mục tiêu xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp xác định hàm lượng Sn, Fe, Cu, Pb, Bi, Sb, trong tinh quặng thiếc. 
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các mẫu tinh quặng thiếc tiêu chuẩn và các nền mẫu tinh quặng thiếc được lấy và chuẩn bị mẫu tại Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên và Nhà máy Tuyển đãi quặng thiếc – Vonfram Giang Sơn (Đồng Văn – Hà Giang). (Ảnh minh hoạ: moit.gov.vn/​)
Để đạt được những mục tiêu đề ra, cử nhân Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự của mình tại VIMLUKI đã sử dụng mẫu tinh quặng thiếc tiêu chuẩn có ký hiệu NCS DC 35001; NCS DC 35002 để nghiên cứu. Từ đó, nhóm đã tiến hành các nghiên cứu, xây dựng các quy trình phân tích xác định hàm lượng thành phần các kim loại Sn, Fe, Cu, Pb, Bi, Sb trên nền mẫu tinh quặng thiếc này.
Sau 15 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể, đã khảo sát, lựa chọn, xây dựng quy trình xác định hàm lượng thiếc trong tinh quặng thiếc - Phương pháp chuẩn độ iot, nung phân hủy mẫu bằng natri hydroxit. Phương pháp phân tích này có độ ổn định và độ đúng cao, độ lặp lại %RSDr=0,242; %RSDR =0,355 và giới hạn lặp lại tương đối r=0,678 %”.
“Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng quy trình xác định hàm lượng Fe trong tinh quặng thiếc bằng phương pháp chuẩn độ tạo phức, đã khảo sát và lựa chọn giá trị pH=2 để thực hiện phép chuẩn xác định Fe bằng phương pháp chuẩn độ tạo phức và lựa chọn ra các các thông số tối ưu để phân hủy mẫu tinh quặng thiếc.” - chủ nhiệm đề tài Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Đề tài đã được Bộ Công Thương nghiệm thu sau 15 tháng thực hiện. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Đồng thời, các nghiên cứu đã xác định được sự ảnh hưởng của các nguyên tố Cu, Bi, Pb, Sb đến kết quả phân tích của phương pháp và chỉ ra với khoảng hàm lượng %Cu ≤ 0,5%; %Bi ≤ 1% và Pb, Sb < 4% có trong mẫu sẽ không gây ảnh hưởng kết quả của phương pháp. 
Cũng theo chủ nhiệm đề tài Nguyễn Văn Tuấn, nhóm đã khảo sát và xác định được khoảng tuyến tính của các nguyên tố Pb, Cu, Bi, Sb bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (F-AAS) với khoảng tuyến tính của Pb, Bi, Sb là 0,2 mg/L đến 10 mg/L; Cu từ 0,5 mg/L đến 5 mg/L. “Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được phương án phân hủy mẫu tinh quặng thiếc là hệ dung môi cường thủy và axit pecloric (HClO4) để xác định hàm lượng Pb, Cu, Bi trong tinh quặng thiếc. Lựa chọn hệ dung môi là hỗn hợp dung dịch KI 5% và axit sulfuric H2SO4 (1+1) để phân hủy mẫu xác định hàm lượng Sb trong tinh quặng thiếc” - cử nhân Nguyễn Văn Tuấn giải thích. 
Ngoài ra, đề tài đã so sánh liên phòng với các phòng thí nghiệm uy tín để đánh giá các phương pháp phân tích nghiên cứu, các kết quả thu được đều phù hợp theo yêu cầu quy định của hiệp hội các nhà phân tích AOAC.
Từ các kết quả nghiên cứu trên nhóm tác giả đã xây dựng 06 bộ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia bao gồm các dự thảo sau: TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng thiếc - Phương pháp chuẩn độ iot, sau khi nung chảy bằng natri hydroxit; TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng sắt - Phương pháp chuẩn độ tạo chất; TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng đồng - Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS); TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng chì - Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS); TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng bismuth - Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS); TCVN XXXX: 2022 Tinh quặng thiếc - Xác định hàm lượng antimon - Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS).
Việc xây dựng một cách đồng bộ các tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng các yêu cầu khoa học công nghệ tiến tiến góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phân tích thí nghiệm trong điều tra địa chất và thăm dò khoáng sản, phục vụ các nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, đồng thời tăng cường được chủ động trong sản xuất của các đơn vị và sự quản lý, điều hành của các cấp quản lý. 
Phương Loan
lên đầu trang