Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:39

Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:39

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:12 ngày 01/08/2022

Đà Nẵng: Xử phạt 105 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm

6 tháng đầu năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 13.147 cơ sở; xử phạt 105 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt tổng số tiền hơn 773 triệu đồng.
Chiều 28/7, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2022.

6 tháng đầu năm thành phố Đà Nẵng phát hiện và xử lý 105 vụ vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa)
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 13.147/21.693 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố. Xử phạt hành chính 105 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 773 triệu đồng.
Trong đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố thanh tra 883/1.853 cơ sở; xử phạt 09 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 25,5 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Vi phạm quy định về nội dung ghi nhãn hàng hóa; Sử dụng nước đá dùng liền có bao bì không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng để phục vụ khách hàng; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; Cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín…
Ngoài ra, Ban quản lý tiến hành test nhanh 37 mẫu các chỉ tiêu Hàn the, độ sạch bát đĩa, độ ôi khét dầu mỡ, axit vô cơ trong dấm ăn, kết quả tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu. Đồng thời, gửi 26 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại 341 cơ sở, xử phạt hành chính 5 trường hợp với tổng số tiền 10,35 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng; Không niêm yết gián bán thuốc thú y; Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y không có chứng chỉ hành nghề.
UBND các quận, huyện, xã phường kiểm tra 12.264 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với tổng số tiền 62,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chính: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh; Kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Không thực hiện quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước…
Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng điều tra, phát hiện, xử lý 59 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thu xử phạt 656 triệu đồng. Tịch thu tiêu hủy 100 kg chả sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá mức sử dụng cho phép, 30 kg mì lá, 7.000 kg nước đá dùng liền…
Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện xử lý 13 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với các lỗi không niêm yết giá hàng hóa thực phẩm tại địa điểm phải niêm yết theo quy định của pháp luật; kinh doanh hoàng hóa thực phẩm nhập lậu. Phạt tổng số tiền 18,75 triệu đồng, tịch thu 197 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại như bánh, kẹo, ngũ cốc, nước tăng lực với tổng giá trị sản phẩm 5,59 triệu đồng.

Test nhanh hàn the tại chợ Cẩm Lệ
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 660 cơ sở, 32 tàu cá. Lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 4.555/4.566 cơ sở, đạt tỷ lệ 99,59% cơ sở được phân cấp quản lý. Đã lấy 113 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Kết quả 26 mẫu đạt yêu cầu, 02 mẫu tép (ruốc) tươi không đạt yêu cầu, 85 mẫu đang chờ kết quả.
Tình hình kê khai nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa rau, trái cây, thủy sản ngoại tỉnh nhập vào chợ Đầu mối Hòa Cường; chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang được giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, các cấp, ngành tại thành phố tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong cao điểm các dịp lễ, tết; đảm bảo quản lý thực phẩm tại các chợ truyền thống; theo dõi tiếp nhận xử lý các thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm qua đường dây nóng; hỗ trợ doanh nghiệp dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm chuỗi thịt heo....
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang