Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 23:05

Thứ tư, 24/04/2024 | 23:05

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:03 ngày 08/08/2022

Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương: Thành công trong phát triển công nghệ tự động hóa

Bộ Công Thương hiện quản lý mạng lưới 13 viện nghiên cứu, trong đó bao gồm 01 viện đã thực hiện cổ phần hóa. Mặc dù có phạm vi, lĩnh vực hoạt động tương đối chuyên biệt, độc lập nhưng hoạt động của các viện thuộc Bộ Công Thương đều được thực hiện theo phương châm nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với nhu cầu thị trường. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ do các viện chủ trì đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất tự động tại LIX. (Ảnh: NARIME)
Điển hình là trong lĩnh vực tự động hóa phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã thiết kế tích hợp nhiều hệ thống DSC (Distributed Control System- Hệ thống điều khiển phân tán), PLC (Programmable Logic Controller - Bộ điều khiển lập trình) phức tạp cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, kho hàng,... với giá rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, Viện còn tập trung vào hướng nghiên cứu, làm chủ công nghệ các dây chuyền thông minh tại các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, hóa chất.
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Narime nêu dẫn chứng, gần đây, Viện đã nghiên cứu và làm chủ thành công công nghệ cho một số dự án lớn như: Dây chuyền sản xuất tự động, linh hoạt tại LIX - công ty thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất, dây chuyền sản xuất lắp vành xe máy tự động cho Công ty Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam, dây chuyền đồ gá hàn rô bốt và lắp ráp cho dòng xe con - SUV và dây chuyền đồ gá hàn và lắp ráp thân vỏ xe BUS điện cho công ty Vinfast.
Có thể nói, việc làm chủ công nghệ tự động hóa giúp Viện có sức cạnh tranh rất tốt với các nhà thầu nước ngoài, đồng thời giúp chủ đầu tư giảm đáng kể giá thành đầu tư cũng như sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài. "Viện đã từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực sản xuất thông minh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ đầu tư, chủ động thay đổi công nghệ sản xuất khi có yêu cầu phát sinh, tạo việc làm ổn định cho Viện khoảng 200 tỷ đồng/năm riêng trong lĩnh vực này" -TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Phòng giám sát điều khiển của Hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. (Ảnh: VIELINA)
Đối với Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá (Vielina), TS. Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng chia sẻ, Viện đã rất chú trọng, chủ động trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào các sản phẩm do Viện chế tạo và cung cấp cho thị trường. Mới đây nhất, Viện đã chế tạo thành công hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn. Đây là kết quả của Dự án “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên” thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì.
TS. Truyện cho biết, hệ thống này hiện đang được sử dụng, vận hành tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và được các chuyên gia ngành chè đánh giá là dây chuyền sản xuất chè có công suất lớn, hiện đại nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Điều đáng nói là hệ thống thiết bị này do các chuyên gia Việt Nam tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt chuyển giao cho nhà máy, trong đó các công đoạn quan trọng nhất đã tự động hóa 100%. Các công nghệ 4.0 như AI, IoT, ….cũng được Viện đưa vào để chế tạo hệ thống điều khiển tự động trong dây chuyền này.
Hệ thống vận chuyển đóng bao NPK tự động do Viện IMI thiết kế, chế tạo. (Ảnh: Viện IMI)
Tương tự, Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) cũng luôn chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, có hàm lượng công nghệ cao, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn. Trao đổi với trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương, ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI chia sẻ, Viện IMI đã dần tiếp cận cuộc CMCN 4.0 khi chế tạo thành công hệ thống vận chuyển kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng rô bốt công nghiệp. Hệ thống này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với giá thành chỉ bằng 40 - 60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Viện còn đề xuất và đưa vào ứng dụng thực tế một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế CMCN 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Tự động hóa là một trong những công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0.  Hiện nay, tự động hóa đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ khí, y tế, nông nghiệp, công nghiệp cho đến các ngành sản xuất, điện tử và ngành chế tạo máy…Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Với việc phát triển thành công các công nghệ tự động hóa ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, một mặt, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự động hóa. Mặc khác, ứng dụng tự động hóa giúp doanh nghiệp cạnh tranh với thị trường trong nước, tạo lợi thế để phát triển ở thị trường nước ngoài; đồng thời nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và cải tiến quy trình làm việc dễ dàng. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang