Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:52

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:52

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:26 ngày 12/08/2022

Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về ATTP của Bộ Công Thương làm việc tại Cà Mau

Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 của Bộ Công Thương do ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau.
437 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau báo cáo các nội dung đã thực hiện Chỉ thị số 13/CT-kTTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo Kế hoạch 657/KH-BCT ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm tập trung quý I kiểm tra, hậu kiểm theo chuyên đề “Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, quý II hậu kiểm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022”. Kết quả, đã có 3.502 trong tổng số 11.775 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố đã được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 3.065 cơ sở đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 87,52% và 437 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 12,48%. 7 cơ sở vi phạm đã bị xử lý với tổng số tiền phạt 14.000.000 đồng cùng hơn 400 trường hợp bị nhắc nhở và chờ xử lý. Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, phát hiện 12 trường hợp vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt số tiền 44.000.000 đồng.
Trong quá trình kiểm tra, hậu kiểm, các đoàn kiểm tra cũng đã thu 02 mẫu bún giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu. 
Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 của Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau. 
Qua ghi nhận của Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau đã quan tâm chỉ đạo cho các đơn vị chuyên ngành triển khai đúng hướng và phù hợp, đặc biệt là công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định chất lượng, an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên, liên tục; công tác cung cấp thông tin các nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên các sản phẩm được cập nhật thường xuyên cho cộng đồng trên phát thanh, truyền hình, phần mềm cơ sở dữ liệu phục vụ chuyên ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho người sản xuẩt, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. 
Nhìn chung, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản từng bước đi vào nề nề nếp, ổn định, ý thức người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng ngày được cải thiện và nâng cao theo hướng tích cực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phân công. 
Tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm 
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng ghi nhận một số khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của tỉnh Cà Mau, trong đó đáng chú ý là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dẫn đến công tác quản lý an toàn thực phẩm của các đơn vị triển khai chậm.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đôi khi chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phát hiện, kiểm tra dư lượng hóa chất, chất bảo quản trong thực phẩm còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền tại một số địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh tuy đã được quan tâm, đẩy mạnh hơn nhưng chủ yếu vẫn còn tập trung ở dịp tổ chức Tháng hành động vì an toàn thực phẩm chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên tính hiệu quả trong công tác an toàn thực phẩm đạt được chưa bền vững.
Đặc biệt, việc sản xuất hiện nay theo thói quen truyền thống, cơ sở nhỏ lẻ, nhận thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế nên tình trạng lạm dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh vẫn còn tồn tại, chưa xử lý triệt để; địa bàn quản lý rộng, giao thông không thuận lợi nên công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát còn hạn chế. 
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn - Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 và Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm.
Trưởng đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 của Bộ Công Thương cũng đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cần chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại. Cùng với đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 71 chợ; trong đó, có 17 xã có chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn mới và 05 chợ cơ bản thực hiện theo các tiêu chí chợ an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát có một số chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đa phần các chợ trên địa bàn chủ yếu ở nông thôn được xây dựng từ lâu, điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp nên chưa đáp ứng theo Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 9211:2012 và chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.
Hà Nguyễn





lên đầu trang