Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 22:08

Thứ năm, 28/03/2024 | 22:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:52 ngày 22/08/2022

Viện Nghiên cứu Cơ khí với ngành Công nghiệp thiết bị toàn bộ

Với định hướng của Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho ngành công nghiệp, trong những năm qua, việc xây dựng mục tiêu phát triển của Viện gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành nhiệt điện, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, than và khoáng sản, xi măng, đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ và đã đạt được một số kết quả sau:
Việc tham mưu các cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn liền sự phát triển của ngành cơ khí. Các cơ chế, chính sách được đề xuất đều xuất phát từ nhu cầu thực tế phát triển ngành cơ khí trong nước, do vậy luôn được các doanh nghiệp cơ khí trong nước đón nhận và áp dụng đạt hiệu quả tốt, có thể kể ra đây một số nhiệm vụ sau: Xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ giai đoạn 2006-2015, có xét đến 2020; Xây dựng Cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than 2012-2025, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025”, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Đến thời điểm hiện tại đã đạt được các kết quả sau: Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”, lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa (NĐH) đạt 50,6% và thiết bị tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước; Dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1 với tỷ lệ NĐH hơn 70%, hiện tại, Viện nghiên cứu Cơ khí đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và dự kiến tiếp tục được giao thực hiện hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 trong năm 2022; Hệ thống thải tro, xỉ (AHS): Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”, Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình” do Viện Nghiên cứu Cơ khí chủ trì thực hiện đã được giải Nhất Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC).
Băng tải dài 5km dự án Tân Rai    
Sơ đồ điều khiển hệ thống cấp than Sông Hậu 1
Trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành. Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, nổi bật là Viện đã thiết kế và chế tạo đồng bộ 02 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5 km cho mỗi nhà máy. Hiện nay, các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ thành công của nhiệm vụ, các đơn vị trong nước tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đã được các chủ đầu tư tín nhiệm, tiếp tục giao cho các dự án khác như: Nhà máy tuyển quặng Bảo Lộc 200.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển Lâm Đồng 1.700.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển quặng Nhân Cơ 1.700.000 tấn/năm; v.v...
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện Dự án khoa học công nghệ (KHCN) quy mô lớn: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình NĐH” với 03 đề tài (máy đóng bao tự động, thiết bị lọc bụi công suất lớn và điều khiển tự động dây chuyền thiết bị nhà máy), đã áp dụng thành công vào dự án xi măng lò quay Sông Thao, đạt tỷ lệ NĐH khoảng 40 % giá trị.
Trong lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, đã thành công trong thực hiện trọn gói hệ thống phao nổi và neo dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW, đã phát điện thương mại ngày 01 tháng 06 năm 2019. Viện đang xây dựng, triển khai phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là các dây chuyền sản xuất, các kho chứa thông minh tự động hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển chung của các ngành công nghiệp.
Trong lĩnh vực cơ khí khai thác dầu khí, Dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp hạ thuỷ giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” với chùm 3 đề tài: Hệ thống nâng hạ giàn khoan; Hệ thống bơm sục bùn chân đế và Hệ thống báo sự cố tập trung trên giàn khoan đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong thực tế đạt tiêu chuẩn quốc tế, đây là dự án phục vụ chương trình nghiên cứu chế tạo các sản phẩm cơ khí trọng điểm của Nhà nước.
Xu hướng phát triển ngành thiết bị công nghiệp toàn bộ, theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2018 Phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, mục tiêu sau 2025, “…hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực trong lĩnh vực chế tạo: ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện...”.
Như vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn và bỏ ngỏ, đơn cử như trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ nhà máy nhiệt điện, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 129.500 MW, trong đó: nhiệt điện than khoảng 42,6%; nhiệt điện khí (kể cả LNG) 14,7%. Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm 41,6%, thủy điện 37,7%, khí 18,8%. Như vậy, tính đến năm 2030, đối với nhiệt điện than tăng từ 28.829 MW lên 55.167 MW. Nếu tính suất đầu tư trung bình 1.7 tr.USD/1W thì riêng nhiệt điện than trong nước sẽ đầu tư với tổng giá trị là 45.795 tr.USD. Chỉ tính riêng việc tự thực hiện được các thiết bị theo QĐ1791/TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá trị trong nước có thể tự thực hiện được khoảng 30% giá trị chi phí phải bỏ ra bằng 13.737 tr.USD. Đối với nhiệt điện khí tăng từ 13.028 MW lên 19.036 MW. Tính suất đầu tư trung bình 1.25 tr.USD/1MW thì riêng nhiệt điện khí trong nước sẽ đầu tư với tổng giá trị là 7.510 tr.USD. Do vậy, xu hướng một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ chi tiền đầu tư để sở hữu công nghệ thiết kế hệ thống, các thiết bị chính nhằm chiếm lĩnh và làm chủ thị trường thiết bị toàn bộ (Hàn Quốc có Doosan, Huyndai; Nhật Bản có Marubeni, MHI, Sumitomo), từ đó chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả các thiết bị phụ trợ đi kèm. Như vậy, họ sẽ thu được lợi nhuận cao bằng việc thuê chế tạo một cách rẻ mạt từ các công ty trong chuỗi cung ứng, nhưng lại bán rất đắt cho chủ đầu tư vì là độc quyền.
Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp trong nước đều đang được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, giá trị trong nước thực hiện đạt không quá 20%.
Ví dụ như, trong lĩnh vực nhiệt điện: hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC, phần lớn là các nhà thầu Trung quốc (Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Hải Phòng, Cẩm Phả... ) do họ có giá bỏ thầu rẻ và họ còn có khả năng thu xếp vốn. Hoặc trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Tập đoàn Than và Khoáng sản đã đầu tư xây dựng 02 nhà máy công suất 600.000 tấn/năm tại Tân Rai và Nhân Cơ. Tuy nhiên, tổng thầu EPC cũng là nhà thầu Trung quốc và các doanh nghiệp cơ khí Việt nam hầu như không tham gia nhiều vào việc thiết kế và cung cấp thiết bị.
Nguyên nhân các nhà thầu trong nước không nhận được các công việc này từ các chủ đầu tư trong nước, gồm: Do tình hình huy động vốn đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện cần một lượng vốn lớn, nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng thu xếp dự án hình thức ECA. Như vậy, chỉ có nhà thầu nước ngoài mới đáp ứng được tiêu chí này và họ sẽ bao trọn gói từ thiết kế nhà máy, mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy, phía nhà thầu trong nước chỉ đảm nhận một phần kết cấu cơ khí theo thiết kế và hướng dẫn của họ. Theo các quy định về đấu thầu hiện hành, sau giai đoạn đánh giá về kỹ thuật thì giai đoạn xét về tài chính thực chất là ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu giá rẻ trúng thầu. Giá của các nhà thầu Trung Quốc thường rẻ hơn nếu so sánh với các nhà thầu trong nước vì: sự ưu đãi từ chính sách thuế cho thiết bị xuất khẩu của họ (ví dụ Trung Quốc thường 11%). Trong nước mặc dù đã có một số đơn vị được giao thực hiện một số dự án nhiệt điện theo hình thức tổng thầu EPC (Uông Bí 1, Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1), tuy nhiên các đơn vị này đều chưa làm chủ được công nghệ phần E và các thiết bị chính của dự án, dẫn đến vẫn phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài.
Do vậy, việc cấp bách trong thời gian tới là các viện nghiên cứu, các đơn vị cơ khí chuyên ngành cần xây dựng các chương trình nghiên cứu, đầu tư tiềm lực KHCN để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực này.
Quá trình tái cơ cấu và định hướng các hoạt động của Viện trong những năm tới:
Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó đã đặt ra nhiệm vụ phải “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý KHCN, đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu KHCN công lập. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu …”
Để xây dựng Viện Nghiên cứu Cơ khí đáp ứng yêu cầu trên, với định hướng xây dựng Viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công cho các dự án công nghiệp chuyên ngành thuộc thế mạnh của Viện như các dây chuyền chế tạo và lắp ráp cơ khí, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, chế biến khoáng sản, hoá chất, xử lý môi trường, các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp, nhà kho thông minh. Viện đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc Chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện.Viện tập trung vào một số chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ sau:
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ lĩnh vực nhiệt điện. Chương trình này sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện than, điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Chương trình này sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị cho nhà máy xi măng, các nhà máy nhiệt điện dư trong các nhà máy xi măng, thiết bị kho xi măng.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Chương trình này sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện than, điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít. Chương trình này sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, robot công nghiệp, ứng dụng robot và các dây chuyền, sản phẩm công nghệ 4.0.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Tổ chức KHCN theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Viện đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn chuyển mình. Cùng sự đổi mới của Đất nước đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tăng cường tư duy khoa học, nhanh chóng làm chủ công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị tiên tiến của thế giới. Viện Nghiên cứu Cơ khí tin tưởng rằng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, sự đồng hành của các doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự cố gắng của các nhà khoa học, Viện sẽ trở thành một đơn vị công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đất Nước.
TS. Phan Đăng Phong
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng đất nước")
lên đầu trang