Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 08:28

Thứ tư, 24/04/2024 | 08:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:56 ngày 22/09/2022

Công ty Thủy điện Sông Bung chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế của thời đại

Công ty Thủy điện Sông Bung với mong muốn bắt kịp với xu thế của thời đại đã đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Hiện nay, Chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp “sống sót” trên thị trường. Công ty Thủy điện Sông Bung với mong muốn bắt kịp với xu thế của thời đại đã đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của đơn vị.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Nhìn lại quá khứ chúng ta đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử nhân loại. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) mọi người kết nối với nhau mà không còn ranh giới nữa. Với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 con người có thể tạo ra trí tuệ nhân tạo thay thế bộ não con người làm rất nhiều công việc đòi hỏi cao về an toàn và hiệu quả cao trong sản xuất và quản lý. Để tồn tại và phát triển mỗi chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn về “Chuyển đổi số”.
Theo sổ tay chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì Chuyển đổi số (digital transformation) được định nghĩa: Là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của mỗi cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số dựa trên các công nghệ mang tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) như Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial intelligence), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT– Internet of Things) và chuỗi khối (Block Chain)...v.v.
Xác định được mục tiêu của EVN là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022. Đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Công ty Thủy điện Sông Bung nói riêng và Tổng công ty Phát điện 2 nói chung, ngay từ ban đầu luôn xác định rằng, công tác chuyển đổi số là một việc vô cùng quan trọng và cần làm ngay một cách nghiêm túc hiệu quả và có chiều sâu. Chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay mang đến nhiều cơ hội và là thách thức đối với mỗi đơn vị.
Tại Tổng công ty Phát điện 2, Ban lãnh đạo và các ban Tổng công ty thực hiện nhiều chương trình đào tạo nhận thức và triển khai các công việc gắn với thực tế điều kiện và môi trường của các đơn vị nơi quản lý và vận hành các Nhà máy Thủy điện và Nhiệt điện trong đơn vị. Hơn hai năm qua, trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên bằng sự nỗ lực rất lớn từ Ban Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2 thì các công việc quan trọng trong việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Sông Bung, các đơn vị nói riêng và tại Tổng công ty Phát điện 2 nói chung luôn được đảm bảo hiệu quả và có chiều sâu bao gồm rất nhiều nhóm lĩnh vực.
Triển khai hệ thống báo cáo điều hành BI (Ảnh: congthuong.vn/)
Công ty Thủy điện Sông Bung cũng đã tham gia nhiều chương trình, khóa đào tạo vô cùng thiết thực như: i. Đào tạo “Chiến lược doanh nghiệp số” - khoá học cho các cán bộ, lãnh đạo - những người đóng vai trò xác định tầm nhìn và dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị; ii. Đào tạo nhận thức về mô hình dữ liệu vận hành và bảo dưỡng (O&M) tập trung là giải pháp thể hiện rõ sự hội tụ của hệ thống IT và OT trong quản lý vận hành các nhà máy điện. Với việc nghiên cứu áp dụng mô hình tổ chức dữ liệu vận hành & bảo dưỡng tập trung; iii. Hội thảo trực tuyến về công tác chuyển đổi số với mục tiêu hỗ trợ EVNGENCO2 đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhanh chóng, bền vững và hiệu quả (EVNGENCO2 phối hợp với Microsoft và OSIsoft tại Việt Nam tổ chức). iv. Hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính với mục tiêu tìm ra giải pháp tối ưu và định hướng áp dụng chuyển đổi số đối với công tác tài chính kế toán của EVNGENCO2 (EVNGENCO2 phối hợp với các đối tác FPT, Tableau, Fidelity và SAP tổ chức); v. Hội thảo Chuyển đổi số Trung tâm giám sát vận hành từ xa nhằm ứng dụng công nghệ để xây dựng các trung giám sát vận hành từ xa …
Ảnh minh họa (nguồn Fanpage Tổng công ty Phát điện 2)
Xác định được mục tiêu và kế hoạch chiến lược chuyển đổi số của Công ty bám sát kế hoạch Tổng công ty giao. Công ty Thủy điện Sông Bung rất được chú trọng và triển khai các đầu mục công việc theo kế hoạch của Tổng công ty, bám sát các chỉ đạo của EVNGENCO2 để triển khai cho đơn vị.
Các nội dung công tác chuyển đổi số của đơn vị đã triển khai là: i. Công ty đã tổ chức kiện toàn nhân sự tham gia công tác chuyển đổi số tại đơn vị và cử nhân sự tham gia Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong Tổng công ty Phát điện 2; ii. Công ty đã tổ chức thường xuyên việc phát động các ý tưởng cải tiến thiết bị tại Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 theo hướng giảm tải bớt việc thao tác hay nhập số liệu thủ công bằng tay hay việc cải tiến các công nghệ cũ đã lỗi thời và không được tin cậy bằng những công nghệ tiên tiến với tuổi đời lâu hơn (Thay mới hệ thống DCS Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 nhằm phục cho công việc truyền số liệu của Nhà máy đến A0, A3 và việc theo dõi vận hành thiết bị an toàn tin cậy hơn); iii. Công ty đã triển khai và áp dụng thành công công tác bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy RCM trên phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS. Công ty đã đã hoàn thành phân tích RCM toàn bộ hệ thống thiết bị cho cả 02 Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 & Sông Bung 4 và lập phương án kỹ thuật sửa chữa lớn năm 2022 theo RCM được EVNGENCO2 phê duyệt cho các danh mục như Trung tu H2 - Sông Bung 2, Trung tu H1 - Sông Bung 4, Đại tu Đập tràn – Cửa nhận nước Sông Bung 4; iv. Công ty đã tổ chức lớp đào tạo việc sử dụng và cập nhập cơ sở dữ liệu của hệ thống PMIS cho cả 02 Nhà máy và thực hành thao tác giao nhận ca, cấp phiếu công tác, lệnh công tác, giao nhận đề xuất vật tư trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS; v. Công ty đã hoàn thiện trên 90% cơ sở dữ liệu của hệ thống PMIS cho cả 02 Nhà máy, trong đó thiết bị được số hóa, được cập nhật đầy đủ về số lượng và thông tin theo qui định vào hệ thống phần mềm PMIS; vi. Công ty đã áp dụng việc quản lý kho thiết bị dựa trên nền tảng thành tựu của việc chuyển đổi số …
Hệ thống giám sát PCTT&TKCN từ xa của Công ty Thủy điện Sông Bung (Ảnh: congthuong.vn/)
Công tác Chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty. Chuyển đổi số phải gắn với những công việc thực tiễn từ công việc hằng ngày và hiện trạng thiết bị. Với những công việc đã và đang triển khai tại Công ty Thủy điện Sông Bung và Tổng công ty Phát điện 2, chúng ta có quyền hi vọng về những hiệu quả mong đợi mà chuyển đổi số mang lại cho Tổng Công ty nói chung và Công ty Thủy điện nói riêng trong thời gian tới. Chuyển đổi số không chỉ có vai trò quan trọng tại đơn vị mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội.
Chuyển đổi số mang lại cho các đơn vị cơ hội “mở ra nhiều tiềm năng hơn nữa” bằng cách cho phép chúng ta mở rộng quy mô hiệu quả, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp chúng ta truy cập vào lượng dữ liệu tài nguyên khổng lồ. Chúng ta có thể theo dõi tất cả các loại chỉ số, thông số vận hành và tuổi thọ của các thiết bị. Ngoài ra chuyển đổi số còn cho phép chúng ta sắp xếp các dữ liệu của mình một cách trực quan và dễ dàng truy cập cũng như cho phép chúng ta đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu ấy một cách chính xác, nhanh chóng hơn.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 (Ảnh: congthuong.vn/)
Sự thúc đẩy chuyển đổi số giúp Công ty Thủy điện Sông Bung, các đơn vị trong Tổng công ty được có cơ hội cạnh tranh về sự đổi mới, tốc độ và khả năng thích ứng để cùng nhau phát triển. Các đơn vị cần tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng các yêu cầu của công việc trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra còn cho phép mọi người giữa các bộ phận trực tiếp và gián tiếp trong toàn bộ đơn vị được giao tiếp tốt và thường xuyên hơn. Nhờ việc sử dụng các nền tảng ứng dụng quản trị tự động, các bộ phận có thể dễ dàng chia sẻ tất cả các loại thông tin, tài liệu dễ dàng bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. Nhờ đó giúp cải thiện khả năng cộng tác, giúp cho chúng ta tiết kiệm tối đa chi phí cho các hoạt động của mình.
Nhìn chung, bằng việc ứng dụng chuyển đổi số, mỗi đơn vị chúng ta có thể tự động hóa các quy trình mà trước đây được thực hiện theo cách thủ công và rất tốn thời gian, ví dụ: Thu thập dữ liệu thông số thiết bị vận hành, quản lý tài chính, quản trị công việc, nhân sự, lập báo cáo,… Điều này sẽ có tác động tích cực đến năng suất và cải thiện sự hài lòng của cán bộ công nhân viên, vì chúng ta sẽ không còn phải thực hiện các nhiệm vụ đơn điệu và có thể sử dụng tốt hơn các kỹ năng của mình.
Với những quyết tâm của cán bộ công nhân viên cùng với chiến lược đúng đắn của Ban Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Bung chúng ta có quyền tin tưởng rằng quá trình chuyển đổi số của đơn vị nói riêng và Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) nói chung sẽ thành công, góp phần nâng cao năng suất lao động, an toàn công trình và hiệu quả trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Congthuong.vn/
lên đầu trang