Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:46

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:46

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:17 ngày 19/10/2022

Quảng Ninh: Đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm thương mại, 12 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm, trên 100 cửa hàng tiện ích; đồng thời, có 13 chợ hiện trạng, trong đó có 22 chợ hạng 1; 23 chợ hạng 2 và 88 chợ hạng 3. Những năm qua, ngành Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo công tác ATTP lĩnh vực ngành quản lý, trong đó có đảm bảo ATTP đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Hoạt động mua bán hải sản tại chợ Hạ Long I (TP Hạ Long).
Ngành Công thương chú trọng công tác trao đổi thông tin, phối hợp các lực lượng bám sát tình hình thực tế tổ chức các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại một cách phù hợp. Cùng với đó kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hành tốt các quy định bảo đảm ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở. Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn kiến thức về ATTP cho các cán bộ làm công tác quản lý vệ sinh ATTP tại các phòng kinh tế, ban quản lý các chợ, cán bộ quản lý ATTP tại xã, phường, thị trấn và chủ cơ sở, người lao động trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công thương quản lý...
Đến nay, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi có kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đều được Sở Công Thương tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 100% và thực hiện kiểm tra, hậu kiểm tra, giám sát thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các chợ, hằng năm, Ban quản lý chợ đều tổ chức ký cam kết ATTP đối với 100% chủ hộ kinh doanh trong chợ, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ các điều kiện đáp ứng về ATTP.
Ngoài ra, hiện tỉnh cũng duy trì hoạt động hiệu quả mô hình điểm chợ bảo đảm ATTP phường Hồng Hà (TP Hạ Long); nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạ tầng chợ đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tích cực phối hợp với UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chợ theo hướng xã hội hoá và chuyển đổi mô hình chợ.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay, phần lớn chợ trên địa bàn tỉnh xây dựng đã lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ATTP. Một số chợ, hiện tượng bày bán thực phẩm sống và chín lẫn gần kề với nhau, nguy cơ lây nhiễm chéo, mất ATTP.
Hiện việc xây dựng chợ ATTP tại các khu vực trung tâm, khu vực đông dân cư cũng đang gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sửa chữa, xây dựng chợ. Bởi, Nghị định 02/2003/NĐ-CP (ngày 14/1/2003) của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP (ngày 23/12/2009) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP quy định vốn từ ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo. Vì vậy, việc thu hút các nguồn vốn xã hội hoá cho đầu tư chợ hiện nay chưa cao. Trong khi đó, để đạt tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm, các chợ hiện nay cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu.
Ngoài ra, tại nhiều chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, diện tích chưa đảm bảo, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với nhiều mặt hàng khác; một số chợ không có khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo; không có khu thu gom rác thải và xử lý rác...
Theo nhiều chuyên gia, để các mô hình chợ phát huy hiệu quả, nên khuyến khích và ưu tiên đầu tư chợ bằng nguồn vốn xã hội hoá, đối với các chợ chưa có điều kiện xã hội hoá thì sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch. Sau khi được đầu tư, sẽ thực hiện giao hoặc đấu thầu quyền quản lý, khai thác chợ. Đồng thời, cần có các hướng dẫn cụ thể về công tác đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, sửa chữa chợ từ nguồn vốn ngân sách cân đối của địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh, khai thác chợ, nhất là với các chợ có cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo văn minh thương mại, ATTP...
Theo Báo Quảng Ninh
lên đầu trang