Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:01

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:30 ngày 21/10/2022

Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giày lần thứ 3

Sáng 20/10/2022, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giày  lần thứ 3 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp dệt may và gần 100 nhà khoa học hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực dệt, may, da – giày.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia đến từ các bộ, ban ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt, may, da - giày.
Nối tiếp những thành công đã đạt được của Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giày  lần thứ 1 và lần thứ 2 (NSCTEX 2018 và NSCTEX 2020) được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giày lần thứ 3 (NSCTEX 2022) được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt, may, da giày của Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, cho biết: “Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất dệt may, da giày hàng đầu thế giới, nhiều năm đóng góp lớn vào an sinh xã hội, chuyển đổi lao động nông thôn sang lao động công nghiệp. Hiện nay, ngành có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 4 triệu lao động. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản.”
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị.
Đáng chú ý, hơn 90% mặt hàng dệt may của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi vào thị trường Hoa Kỳ bởi tác động của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định FTA. Do đó, ngành dệt, may, da giày Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ nguyên liệu tại Việt Nam đồng thời đảm bảo các rào cản phi thuế khác như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, sử dụng lao động… "Những yêu cầu này đã mở ra cơ hội kết nối, giúp tổ chức Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May, Da - giày lần thứ 3, tạo điều kiện hợp tác, trao đổi thông tin giữa các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp thành một khối thống nhất trên toàn quốc, hướng đến đáp ứng các mục tiêu quan trọng của ngành trong thời gian tới" - TS Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị
Tiếp nối phần khai mạc là phần thảo luận chung của chuyên gia về các vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da – giày: TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với đề tài “Chính sách thúc đẩy Nhà Khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dệt may”; PGS.TS. Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may, Da giày và Thời trang (Đại học Bách Khoa Hà Nội) với đề tài “Xây dựng quy trình thao tác chuẩn và tối ưu hóa cân bằng dây chuyền may sản phẩm dệt kim nhằm nâng cao năng suất lao động”; TS. Nguyễn Văn Thông - Thành viên HĐQT, CTCP - Viện nghiên cứu Dệt May với đề tài “Phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn”; ThS. Phạm Phú Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thuộc da, Viện Nghiên cứu Da - Giày với đề tài “Mô hình kinh tế tuần hoàn ngành Da – Giày Việt Nam: Đề xuất với chuỗi sản phẩm da thuộc”
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra 03 phiên hội thảo chuyên đề: Công nghệ và vật liệu sợi, dệt, nhuộm, da – giày; Công nghệ và thiết bị may, thời trang; Kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da – giày, với 15 báo cáo được công bố và thảo luận, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dệt, may, da - giày tại Việt Nam.
Hội nghị đánh dấu sự tiếp nối trọng trách xây dựng diễn đàn cho nhà khoa học thông báo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Dệt, May, Da - Giày. Hội nghị đã tạo ra cơ hội để các nhà khoa học, đồng nghiệp và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp dệt may, da giày.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường công lập theo định hướng ứng dụng chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May. Tiền thân là trường Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập theo Quyết định số 27/NT ngày 19/01/1967 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, tại Quyết số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6/2015, Trường được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Trường là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ cho mô hình Chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh, bao gồm 8 ngành: Công nghệ Sợi, dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ may; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử; Quản lý công nghiệp dệt may; Kế toán; Marketing thời trang; với quy mô 5000 sinh viên. 
Quang Ngọc
lên đầu trang