Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:47

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:47

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:22 ngày 21/10/2022

Ứng dụng khoa học công nghệ: trụ cột quan trọng thúc đẩy phát triển ngành dệt may Việt Nam

Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Là ngành công nghiệp có đóng góp nhiều nhất trong kinh tế xuất khẩu, với mức tăng trưởng bình quân 8,7% giai đoạn 2015 - 2022, ngành dệt may được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của nền công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong 2 năm đại dịch Covid-19, bất chấp những khó khăn, thách thức, bất ổn chính trị toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, thiên tai,... ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng và có những bứt phá để đạt được kết quả tích cực: kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 35,3 tỷ USD, năm 2021 đạt 40,5 tỷ USD và ước tính năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 43,5 - 44 tỷ USD.
Dệt may là ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam (Ảnh: vietnambiz.vn/)
Có được kết quả này, bên cạnh việc phát huy tốt những thế mạnh như quản trị sản xuất, công tác thị trường thì việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai các sáng kiến trong quá trình sản xuất chính là một trong những điểm sáng giúp các doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt qua khó khăn. Điển hình có thể kể đến việc sử dụng các máy móc, thiết bị tự động; số hóa các công đoạn sản xuất; tăng cường sử dụng các phần mềm để giao dịch với khách hàng; thiết kế sản phẩm, chuyển giao mẫu tới khách hàng bằng hình thức trực tuyến,... 
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự bình ổn trở lại trong quá trình kết nối, hợp tác, giao thương giữa các nước trên thế giới, ngành dệt may Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa việc ứng dụng và phát huy có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ. 
Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giày lần thứ 3 (2022) được tổ chức hôm 20/10 vừa qua tại Hà Nội
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giày lần thứ 3 (2022) được tổ chức tại Trường Đại học Dệt may Hà Nội, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Tri thức và công nghệ luôn là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một ngành công nghiệp. Nhu cầu doanh nghiệp luôn là cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất. Do đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà dệt may Việt Nam đang hướng đến, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là việc làm cần thiết, cần đẩy mạnh triển khai hơn nữa trong thời gian tới.”
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, nếu giải quyết được bài toán khoa học công nghệ trong ngành dệt may sẽ mang lại 3 điểm nhấn tích cực, giúp tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam trên thị trường quốc tế:
Một là, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất sẽ giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp các doanh nghiệp tháo gỡ được những bài toán khó khăn về kinh tế, giảm bớt chi phí nhân công, nguyên liệu đầu vào.
Hai là, các giải pháp công nghệ giúp tăng cường năng lực cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm dệt may, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại đã được ký kết. Trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hiện đang được nhiều thị trường quan tâm nhằm minh bạch hóa những thông tin sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Ba là, thành tựu của khoa học kỹ thuật nếu được áp dụng hiệu quả trong việc tái chế, tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm dệt may sẽ giúp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững cho ngành dệt may,... Đây là xu hướng tất yếu của ngành dệt may thế giới và cũng là xu thế đang được nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam triển khai, hướng tới mục tiêu đáp ứng các quy định mà thị trường thế giới đã và đang đặt đặt ra, yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân thủ.
Đạt được những mục tiêu trên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế là một trong những nền sản xuất dệt may, da - giày hàng đầu thế giới, mang đến những đóng góp không nhỏ cho an sinh xã hội, thúc đẩy việc chuyển đổi lao động nông thôn sang lao động công nghiệp, góp phần thực hiện thành công định hướng đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng và Nhà nước.
Theo thống kê của một tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng đầu trong số 27 quốc gia sản xuất dệt may có mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022 với 59/75 điểm, đứng thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc khi cùng đạt 54 điểm. 
Quang Ngọc
lên đầu trang