Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:18

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:18

Chính sách

Cập nhật lúc 08:11 ngày 15/11/2022

Phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KH-CN) là DN thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH-CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc phát triển DN KH-CN là một trong những chủ trương lớn nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, nâng tầm DN. Tuy nhiên, tới nay công tác này vẫn còn nhiều trở ngại.

Dây chuyền chiết xuất trầm hương của Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan, một trong số ít các doanh nghiệp khoa học - công nghệ của Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Tại Đồng Nai, số lượng đơn vị được cấp chứng nhận DN KH-CN rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay và sự phát triển của họ cũng gặp nhiều khó khăn.
* Được chứng nhận, vẫn khó phát triển
Công ty TNHH Hồ Giáp Việt là một trong 5 DN đã được cấp chứng nhận DN KH-CN của Đồng Nai. Các mặt hàng chính của công ty là máy gieo hạt và bón phân, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Dù được người dân ở nhiều tỉnh, thành tin tưởng, đặt hàng, song do nguồn lực có hạn nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ, chưa thể đầu tư dây chuyền sản xuất hàng loạt, lợi nhuận thu được thấp.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc công ty cho hay, cũng như các đơn vị sản xuất khác, công ty luôn mong muốn quy mô sản xuất của mình được mở rộng. Thế nhưng, vấn đề về vốn thì rất thiếu thốn, trong khi vốn vay ưu đãi rất khó tiếp cận. Dù đã được chứng nhận DN KH-CN nhưng so với trước, sự tiến triển của công ty chưa được nhiều.
Việt Nam từng đặt mục tiêu phát triển 3 ngàn DN KH-CN đến năm 2020, hiện tại mới có khoảng 600 DN KH-CN của cả nước. Từ năm 2019 đến tháng 6-2020, có gần 60 đơn vị được cấp chứng nhận từ Cục Phát triển thị trường KH-CN. Các DN được chứng nhận hầu hết ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Là địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế, nhất là trong công nghiệp, dịch vụ, Đồng Nai có tiềm năng lớn trong lĩnh vực KH-CN. Tuy nhiên, số lượng DN được cấp giấy chứng nhận cho tới thời điểm này còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân một phần do việc đăng ký trở thành DN KH-CN có những khó khăn nhất định. Đơn cử như DN phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH-CN; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH-CN. Điều này không phải DN nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết của mình.
Trong thực tế, tương tự như Công ty TNHH Hồ Giáp Việt, một số DN của Đồng Nai sau khi được chứng nhận chưa thể phát huy hết mức lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi. Các chính sách ưu đãi theo quy định phần nhiều không được thụ hưởng. Các đơn vị này đang ở quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Cơ sở vật chất cho hoạt động KH-CN còn hạn chế do thiếu vốn đầu tư cho phòng thí nghiệm, nhà máy...; không vay được vốn do không có tài sản thế chấp (tài sản lớn nhất của DN KH-CN là tài sản trí tuệ, nhưng không được tổ chức tín dụng chấp thuận làm tài sản thế chấp do không định giá được)...
Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời do ông Nguyễn Văn Khỏe làm chủ từng gây được chú ý trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt nam) năm 2018 vì gọi vốn được 1 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, cuộc hợp tác giữa ông và “cá mập” đã dừng lại vì không tìm được tiếng nói chung. Hiện tại, DN này đang phải loay hoay và tự nỗ lực để mở rộng quy mô sản xuất của mình.
* Cần mạnh dạn đổi mới
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN KH-CN, tháng 3-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KH-CN thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP về DN KH-CN. Qua quá trình triển khai gặp những bất cập. Tới tháng 11-2021, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN (hiệu lực từ ngày 20-1-2022) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai nghị định này.
Tại Đồng Nai, bên cạnh việc thực hiện những chính sách chung từ Trung ương thì trong Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023 cũng đề cập đến vấn đề này. Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch là thúc đẩy hình thành DN KH-CN. Cụ thể, Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện 2 dự án gồm: Hỗ trợ ươm tạo DN KH-CN và Hỗ trợ phát triển DN KH-CN. Đồng Nai đặt ra mục tiêu hỗ trợ 5 dự án ươm tạo và phát triển 3 DN KH-CN đến năm 2023. Kế hoạch này đã thực hiện đến năm thứ 4 nhưng những nội dung nêu trên còn dang dở. Số lượng DN đạt chứng nhận là DN KH-CN ở Đồng Nai hiện vẫn đếm trên đầu ngón tay, không thay đổi nhiều so với trước khi kế hoạch ban hành.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có chính sách sát sườn hơn, trong đó các cơ quan, ban, ngành cần tạo cầu nối để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của DN; hỗ trợ DN hiểu rõ, hiểu đúng những tiêu chí cần có để nhận được các chính sách ưu đãi.
Về phía mình, các DN cũng cần chủ động để thay đổi. Tại hội thảo Giải pháp giúp DN trở thành DN KH-CN do Sở KH-CN tổ chức ngày 27-10 vừa qua, TS Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch HĐQT Công ty IP Group cho rằng với tiềm năng, thế mạnh của mình, DN ở Đồng Nai cần mạnh dạn đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ngay cả khi chưa trở thành DN KH-CN thì chính tư tưởng, định hướng của lãnh đạo trong việc ứng dụng công nghệ cao, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, sáng chế... cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng DN mạnh và phát triển bền vững.
Theo Báo Đồng Nai
lên đầu trang