Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:02

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:02

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:26 ngày 18/11/2022

Một vài gợi suy về liên kết phát triển khoa học và công nghệ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng cả về an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội không những của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với sự chủ đạo của kinh tế biển gắn với công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập, liên kết vùng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn đang là vấn đề đặt ra đối với mỗi địa phương, việc liên kết phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng nằm trong xu thế tất yếu này.
Một số lợi thế so sánh và nguyên tắc liên kết phát triển vùng 
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có một số lợi thế so sánh như sau: 
Một là, lợi thế về địa kinh tế, vùng có chiều dài đường bờ biển khoảng 600 km, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển; với mặt tiền là biển Đông và Thái Bình Dương, kết nối với lục địa phía tây thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây mà ít khu vực nào có được. Vùng kinh tế này có bờ biển dài phía đông, nhiều nơi có thể thiết lập các cảng nước sâu, thuận lợi cho phát triển vận tải biển, dịch vụ logistics, du lịch biển và các ngành kinh tế biển khác.
Hai là, tài nguyên khoáng sản của vùng rất phong phú. Ngoài các khoáng sản kim loại, như titan phân bố gần như ở tất cả các tỉnh, nhất là ở Bình Định, vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá granit..., thì vùng còn có các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí và nguồn năng lượng gió1. Vùng còn có tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa thế giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: cảng biển, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, công nghiệp dầu khí, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng…
Ba là, vùng có lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp du lịch văn hóa. Vùng có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Nơi đây có bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam; là vùng đất của hai nền văn minh lớn (Sa Huỳnh và Champa), với các di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn, cố đô Huế) và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Bốn là, về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, toàn vùng hiện có 4 sân bay, trong đó cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 1 trong 3 cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam. Vùng có hệ thống cảng biển khá dày đặc, trong đó có nhiều cảng biển quan trọng như: Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định)..., tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng và hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới1.
Để tận dụng được các lợi thế so sánh, xây dựng được các chương trình, nhiệm vụ KH&CN liên kết có quy mô vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển, các địa phương trong vùng cần tham gia liên kết theo nguyên tắc: “thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch”. Đồng thời, cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng. 
Đề xuất liên kết trong các lĩnh vực chính
Trong lĩnh vực nông nghiệp
Xây dựng chương trình phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp. Lựa chọn các sản phẩm hàng hóa chủ lực chung của vùng, hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm này, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn với xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đối với các sản phẩm chủ lực của vùng đã lựa chọn, dưới dạng các dự án liên kết lớn.
Tập trung nghiên cứu ứng dụng KH&CN về bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, thích ứng với điều kiện sinh thái của vùng và tình trạng biến đổi khí hậu theo hướng nâng cao độ an toàn của sản xuất, phòng tránh thiên tai (lũ lụt, hạn hán), nâng cao hiệu quả trên mỗi ha đất canh tác.
Nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sinh thái vùng ven biển. Tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản là đặc sản có giá trị cao (tôm hùm, cá ngựa, các loại nhuyễn thể…) phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Liên kết đầu tư nâng cấp các cơ sở nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao đối với nông nghiệp, thủy sản nhằm tạo các giống thủy sản cho năng suất cao, đặc biệt là các giống đặc sản phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cung cấp cho cả nước. Hình thành các trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của vùng, sản xuất được nhiều chủng loại như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển (cá bớp, cá chim trắng, cá bè, cá mú...); nhuyễn thể (ốc hương, ngao hai cồi, tu hài), cua biển… mang tầm cỡ quốc gia và hướng đến tầm quốc tế
Lựa chọn xây dựng, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản có giá trị kinh tế lớn. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm có quy mô lớn của vùng. Ứng dụng giống mới, công nghệ phù hợp vào sản xuất và chế biến, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tạo thành sự liên kết bền vững trong nông nghiệp, chế biến và dịch vụ.
Trong lĩnh vực công nghiệp
Hợp tác giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng, đồng thời đẩy mạnh liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguyên liệu, lao động, vốn… của các địa phương trong vùng, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực ở các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong vùng.
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của vùng như: đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản… Liên kết phát triển công nghiệp chế biến nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu của các địa phương giàu tài nguyên với các địa phương có trình độ công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực phát triển hơn, có cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế… nhằm giúp các địa phương tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong lĩnh vực du lịch
Tập trung nghiên cứu, khai thác thế mạnh du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng biển đối với các tỉnh, thành phố trong vùng. Đặc biệt là khai thác các di sản văn hóa thế giới, di sản cấp quốc gia như phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản văn hóa kiến trúc cố đô Huế… đưa du lịch trở thành nền kinh tế “mũi nhọn” của vùng. Tăng cường vai trò của hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trong liên kết; đẩy mạnh liên kết giữa cộng đồng với các doanh nghiệp du lịch, nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng, độc đáo liên vùng thu hút du khách trong nước và quốc tế; thí điểm xây dựng trung tâm du lịch xanh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Các nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu
Nghiên cứu phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, nhằm mục tiêu kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, tăng cường khả năng lưu trữ nước ngọt của vùng. Chú trọng quy hoạch, thiết kế, xây dựng thủy lợi và quản lý tài nguyên nước ở các lưu vực sông, đảm bảo khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững.
Hợp tác trong việc nghiên cứu đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông chính của miền Trung, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán, sạt lở…) ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu; nghiên cứu các giải pháp phòng chống sạt lở các sườn núi gần khu dân cư; sạt lở; củng cố nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển; trồng và giữ rừng chắn sóng ven đê...
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN
Liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đón đầu các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn như: ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ vật liệu… và các ngành kinh tế khác.
Thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia hàng đầu có trình độ quốc tế, để phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu triển khai của vùng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin dùng chung 
Xây dựng trung tâm thông tin chung của vùng, xây dựng quy chế sử dụng và chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan chung của vùng như: các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước, dữ liệu về các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu triển khai của các địa phương trong vùng, tình hình thị trường một số sản phẩm chủ lực của vùng, biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương…; các khó khăn vướng mắc, các yêu cầu hỗ trợ, hợp tác, liên kết…
Một số giải pháp khuyến nghị
Để thực hiện được các mục tiêu và nội dung nêu trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các địa phương trong vùng cần chủ động phối hợp xây dựng những thể chế liên kết có tính đột phá, cho phép xây dựng được các chương trình, nhiệm vụ KH&CN khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của vùng một cách hiệu quả. 
Thứ hai, phải xây dựng quy chế phối hợp, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan tại địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN liên kết như: ngành KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính…
Thứ ba, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí để xác định các chương trình, nhiệm vụ KH&CN có quy mô vùng, hoặc có tính chất vùng đủ điều kiện để liên kết (gọi tắt là nhiệm vụ KH&CN vùng). Xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết, xác định lộ trình và cách thức thực hiện cho từng nội dung trong kế hoạch.
Thứ tư, các địa phương phối hợp trong việc lựa chọn các chương trình, nhiệm vụ KH&CN có quy mô vùng hoặc có tính chất vùng. Xây dựng, tổng hợp thành danh mục các chương trình, nhiệm vụ KH&CN vùng đưa vào kế hoạch hàng năm hoặc 5 năm để ký kết và phối hợp triển khai.
Thứ năm, nội dung hợp tác liên kết trong các văn bản (quy chế, kế hoạch) phải được đưa vào kế hoạch KH&CN hàng năm, 5 năm của các địa phương. Các địa phương cần cân đối nguồn lực để phối hợp thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN vùng đã được ký kết.
Nếu triển khai tốt việc hợp tác, liên kết phát triển KH&CN, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có vai trò quan trọng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên đây chỉ mới là những gợi ý bước đầu để có thể đặt nền móng cho việc xây dựng và hình thành liên kết phát triển KH&CN ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung, để KH&CN thực sự trở thành động lực, giúp cho từng địa phương và toàn khu vực tăng tốc, phát triển bền vững.
ThS Lê Kim Phương
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN
Nguồn: vjst.vn/
lên đầu trang