Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:22

Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:22

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:13 ngày 21/11/2022

Viện Công nghiệp Thực phẩm: Đa dạng hình thức chuyển giao công nghệ

Thành lập ngày 21 tháng 7 năm 1967, Viện Công nghiệp Thực phẩm là đơn vị đầu ngành Công Thương về nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Nhìn lại 55 năm xây dựng và phát triển của Viện, có thể nói, Viện Công nghiệp Thực phẩm hiện được đánh giá là một trong những viện có tiềm lực nghiên cứu mạnh của Bộ Công Thương.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, công tác tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ vào đời sống đã luôn được Viện xác định là nhiệm vụ chuyên môn, chính trị trọng tâm hàng đầu. PGS.TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học kỹ thuật của Viện tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm; Công nghệ sinh học; Phân tích và giám định thực phẩm.
Trong quá trình chuyển giao công nghệ, Viện liên tục cập nhật thông tin, xây dựng và duy trì quan hệ với các đối tác nhằm tạo hệ sinh thái gồm các bên: đối tác nhận công nghệ, đối tác cung ứng hàng hóa và thiết bị liên quan (các công ty cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu, bao bì, phụ gia thực phẩm,...), các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, các tổ chức phi chính phủ và các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới công nghệ. 
Hệ thống thiết bị quy mô pilot: thiết bị lên men tự động sản xuất chế phẩm sinh học ứng dụng vi sinh vật. (Ảnh: Viện Công nghiệp Thực phẩm)
Đáng chú ý, các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ được Viện thực hiện theo yêu cầu đặc trưng của từng thời kỳ. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như chuyển giao quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ; bảo trợ kỹ thuật, cung cấp công thức, chủng giống hoặc nguyên liệu độc quyền; hợp tác nghiên cứu R&D; đào tạo kiến thức lý thuyết và thực hành về công nghệ và R&D trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, Viện còn chuyển giao công nghệ thông qua tư vấn cải tiến, đổi mới, đầu tư mới công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng; tư vấn đánh giá chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu suất, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tiêu hao. 
Một số sản phẩm tiêu biểu của Viện Công nghiệp thực phẩm. (Ảnh: Viện Công nghiệp Thực phẩm)
Đặc biệt, các đối tác nhận dịch vụ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ của Viện cũng rất đa dạng, từ các Tổng Công ty, Tập đoàn, Nhà máy lớn như: Tổng Công ty Cổ phần Rượu bia Nước Giải khát Hà Nội (HABECO), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn, Công ty CP Dược phẩm Sao Thái Dương, TH Milk, Công ty Cổ phần sữa Ba Vì,Công ty Cổ phần Minh Dương, Công ty Ong Trung Ương, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Ong mật Bình Phước...cho đến các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương như: Trung tâm khuyến công, Trung tâm Khoa học công nghệ, Trung tâm Môi trường trực thuộc các Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty vừa và nhỏ trên toàn quốc đang đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm: hộ gia đình chế biến cá thể, làng nghề, các công ty start-up,...
Được biết, từ năm 2002 đến nay, Viện Công nghiệp Thực phẩm đã đề xuất và thực hiện thành công gần 50 đề tài, dự án các cấp để đưa ra hàng loạt các công nghệ sản xuất các sản phẩm thiên nhiên. Tiêu biểu như: Công nghệ chiết tách và tinh chế nhựa dầu gừng và dầu tỏi đặc sản Việt Nam, công nghệ sản xuất bột rau má, bột cần tây hòa tan, công nghệ sản xuất bột lá sen và tinh chất lá sen, các công nghệ sản xuất các sản phẩm tự nhiên từ cây tía tô, từ hạt vừng đen, từ cây chùm ngây, từ phế thải rau quả,...Hầu hết, các đề tài, dự án trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của sản xuất và đời sống con người, do vậy, các kết quả của đề tài, dự án có điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng vào thực tiễn. 
Trong giai đoạn 2018-2022, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện được 26 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với tổng giá trị 4.594 triệu đồng. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid, Viện vẫn duy trì và cố gắng đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ. Năm 2020, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ của Viện đạt 12,1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Năm 2021, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ khoảng 12,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 0,5 tỷ đồng.
Hà Nguyễn
lên đầu trang