Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:10

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:10

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:21 ngày 21/11/2022

Hòa Bình đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng về ATTP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đôn đốc các ngành, địa phương trong đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nông sản.
Được biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm được tỉnh đẩy mạnh; đồng thời lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
Bên cạnh đó, trong công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra chuyên ngành và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được tỉnh triển khai thường xuyên. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 13 cơ sở, bao gồm 11 cơ sở thanh tra theo kế hoạch và 2 cơ sở thanh tra đột xuất. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền hơn 33,3 triệu đồng; tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận 1 cơ sở; yêu cầu 1 cơ sở thực hiện nuôi lưu đối với 1 lô thủy sản.
Hoạt động sản xuất nông sản tại Hợp tác xã rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc). (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra đã lấy 266 mẫu nông lâm thủy sản kiểm nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm, qua đó phát hiện 2 mẫu vi phạm. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình, hoạt động lấy mẫu kiểm tra nhanh và lấy mẫu định lượng các nhóm sản phẩm thiết yếu, kiểm tra khâu sản xuất, chế biến được chú trọng. Đối với cơ sở có mẫu không đạt xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định, cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính. 
Ngoài ra, qua thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có 4 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 11,3 triệu đồng; 1 cơ sở được yêu cầu tiếp tục nuôi lưu đối với 3 lô thủy sản và thực hiện lấy mẫu giám sát đối với chất phát hiện, mẫu giám sát đạt yêu cầu mới được bán sản phẩm ra thị trường.
Đặc biệt, trong 10 tháng vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đảm bảo an toàn thực phẩm giữa thành phố Hà Nội và Hòa Bình. Hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 62 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm cao xạ đen Hòa Bình.
Thời gian tới, để giúp người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng có trách nhiệm hơn trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Hòa Bình sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân; tạo hành lang pháp lý bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm...
Bích Phương
lên đầu trang