Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:15

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:15

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:44 ngày 01/12/2022

Nhà máy sản xuất xăng dầu của PVN: Điều hành tốt nhờ chuyển đổi số

Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang chạy 112% công suất thiết kế. Để tối ưu hoá quản trị điều hành và thuận tiện trong các công tác sản xuất kinh doanh, BSR đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ.
Cán bộ, kỹ sư của BSR theo dõi, quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ phòng điều khiển trung tâm.
Tăng công suất sản xuất xăng dầu
Theo BSR, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), BSR đã nhiều lần tăng công suất Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lần tăng công suất gần nhất, NMLD Dung Quất đã chạy với 112% công suất thiết kế.
Để có thể tăng công suất, BSR đã chuẩn bị phương án trước đó khá lâu. Cụ thể, các kỹ sư tại NMLD Dung Quất đã căn cứ vào đặc tính nguyên liệu, cấu hình, đặc điểm của các thiết bị để nghiên cứu, đưa ra lộ trình tăng công suất khi cần thiết. Lộ trình đó trải qua quá trình đánh giá tất cả các yếu tố rủi ro của thiết bị, hệ thống điều khiển. Đồng thời đánh giá về khả năng làm việc của các thiết bị khi tăng công suất ở từng mốc nhất định. Đi cùng với đó là đảm bảo các yếu tố an toàn thiết bị, an toàn công nghệ.
Theo ông Cao Tuấn Sĩ - Phó Giám đốc NMLD Dung Quất, việc liên tục hoạt động vượt công suất ở mức cao đòi hỏi phải bố trí nguồn lực giám sát tình trạng hoạt động của thiết bị, đồng thời nhân sự vận hành nhà máy cũng phải tăng cường sự tập trung cũng như cường độ làm việc. Trong thời gian tới, nếu nguồn cung dầu thô đảm bảo, cộng thêm nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao thì NMLD Dung có thể duy trì vận hành với công suất liên tục cao.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Phó Tổng Giám đốc BSR, để đảm bảo nguyên liệu đầu vào vận hành NMLD Dung Quất với công suất cao trong thời gian tới, Công ty đã làm việc với các nhà cung cấp, chủ mỏ, để tìm cơ hội tăng lượng nguyên liệu trực tiếp là dầu thô và các nguyên liệu trung gian. Với phương án bổ sung nguồn nguyên liệu khẩn cấp từ các mỏ trong nước, trong hai tháng cuối năm 2022 sản lượng nguồn nguyên liệu của Công ty ước đạt 400.000 thùng dầu thô, có thể đưa ra thị trường 1,4 triệu m3 xăng dầu. Theo kế hoạch, BSR cũng đã có phương án mua dầu thô đủ cho 6 tháng đầu năm 2023, giữ vững ở mức công suất cao để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đầu năm và Tết Nguyên đán.
Tiết kiệm 12 triệu USD nhờ chuyển đổi số
Theo BSR, để nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là rất quan trọng. Theo đó, trong công tác chuyển đổi số, từ năm 2016, BSR đã áp dụng hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) với hơn 500 KPI được áp dụng thực hiện. Tối ưu hoá NMLD Dung Quất với công tác tinh chỉnh bộ điều khiển và triển khai hệ thống điều khiển đa biến, giúp BSR tiết kiệm được khoảng 12 triệu USD. “Trong 2 năm qua, BSR đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp đơn vị đạt được nhiều thành quả cao” - lãnh đạo BSR cho biết.
Nói thêm về công tác chuyển đổi số tại BSR, theo ông Hoàng Ngọc Tú - Trưởng ban Công nghệ thông tin BSR, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã áp dụng các công tác chuyển đổi số như hoàn thành và áp dụng hệ thống bộ giải pháp Văn phòng điện tử gồm 15 phân hệ tích hợp; Triển khai và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp giai đoạn 1 được tích hợp đồng bộ với các hệ thống quản lý sản xuất, quản lý bảo dưỡng, trình ký điện tử.
Ngoài ra, BSR còn đẩy mạnh khai thác và cải tiến các hệ thống quản lý sản xuất, bảo dưỡng hiện hữu theo định hướng thông minh và tích hợp; Tự phát triển và xây dựng hàng loạt hệ thống như: hệ thống báo cáo quản trị trực quan công tác sản xuất, bảo dưỡng, thương mại, nhân sự, công việc theo thời gian thực.
Theo lãnh đạo BSR, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy hiện thực hoá chiến lược của đơn vị trong giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn 2030 – 2035. Đặc biệt, với việc NMLD Dung Quất liên tục vận hành ở công suất cao trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số là rất cần thiết.
Giúp bình ổn nguồn cung xăng dầu
Công suất hiện tại của NMLD Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu thô nguyên liệu một năm, tỉ lệ sản phẩm xăng dầu là 93%, cho ra khoảng hơn 6 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Với việc liên tục vận hành ở công suất cao, NMLD Dung Quất sẽ cung cấp thêm cho thị trường hàng trăm nghìn tấn sản phẩm, xăng dầu. Điều này sẽ giúp bình ổn nguồn cung trong nước trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động.
Nguồn: baophapluat.vn/
lên đầu trang