Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:54

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:09 ngày 26/12/2022

KHCN ngành Công Thương: Những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí

Thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là một trong các lĩnh vực trọng điểm của ngành Công Thương. Giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương đã ghi nhận nhiều thành tích và kết quả nổi bật trong lĩnh vực này.
Hầu hết các công nghệ sử dụng đều là những công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới, như: công nghệ khoan đơn thân, khoan đa thân, khoan nhiệt độ - áp suất cao, khoan thân giếng nhỏ, khoan dưới áp suất cân bằng, công nghệ xử lý giếng, phương pháp gọi dòng, phương pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu đã được áp dụng trong khai thác thứ cấp ở các mỏ như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; công nghệ khai thác dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam đã được áp dụng tại các mỏ thuộc bể Cửu Long v.v… Trong chế biến dầu khí, công nghệ làm lạnh sâu dòng khí nguyên liệu (Turbo Expender) đã giúp nâng cao hiệu suất thu hồi lỏng tại nhà máy xử lý khí; công nghệ nén khí CNG được áp dụng trong việc nén khí khô vào các bình chứa cao áp; công nghệ nhập, xuất và tồn chứa LPG lạnh v.v…
Cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Tiêu biểu là ba cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6, trong đó có cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” của TS. Ngô Hữu Hải, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông. Cụm công trình gắn với dự án phát triển, xây dựng cụm giàn khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh mang tên “Biển Đông 01” - là dự án trọng điểm quốc gia, được triển khai trong điều kiện đặc biệt phức tạp, có quy mô lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật - công nghệ. 
Ngành Công Thương đạt được nhiều thành tích và kết quả nổi bật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí giai đoạn 2016 - 2020. (Ảnh minh họa: https://kinhtedothi.vn/)
Cụm công trình cũng được đánh giá có giá trị KH&CN cao, không chỉ áp dụng cho Dự án Biển Đông 01 mà còn có đóng góp quan trọng cho việc phát triển các dự án khai thác nước sâu xa bờ khác; khẳng định sức mạnh nội lực, kỹ năng quản lý, trình độ của ngành Dầu khí Việt Nam hoàn toàn đủ sức làm chủ, phát triển được những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới, chinh phục được những mỏ dầu khí có điều kiện phức tạp nhất.
Bên cạnh đó là cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0” của tác giả Nguyễn Xuân Quang, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Kết quả của cụm công trình đã giúp làm chủ được quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thông qua việc nghiên cứu tính chất vật lý, địa chất, đất đá xung quanh thành giếng kết hợp với kết quả nghiên cứu địa chất để tính toán trữ lượng dầu khí của các khu vực, các mỏ, bể trầm tích, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành địa vật lý của Việt Nam.
Ngoài ra là cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” của ThS. Bùi Hoàng Điệp, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí. Cụm công trình đã giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam với những điều kiện hiếm gặp trên thế giới, đóng góp trực tiếp tới sự thành công của dự án Biển Đông 01, qua đó đưa đơn vị trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có đủ năng lực EPCI cho các dự án giàn công nghệ trung tâm CPP và các công trình dầu khí siêu trường, siêu trọng.
Không những vậy, cụm công trình cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và làm chủ công nghệ của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là trong việc thiết kế, thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Cùng với ba cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6, ngành dầu khí cũng ghi dấu ấn với hai cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5. Thứ nhất là cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”, được đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc khi áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới. 
Thứ hai là công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard). Công trình đã đưa Việt Nam thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế; góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với Dự án Tam Đảo 03 (34,7%); rút ngắn thời gian thi công Dự án cũng như giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài.
Gây tiếng vang không kém các cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 và 6 là bốn công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, gồm: cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)” của TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; công trình “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di dộng phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” của KS. Phan Tử Giang, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” của KS. Nguyễn Văn Hội, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; công trình “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam” của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN của ngành Công Thương đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Hà Nguyễn
lên đầu trang