Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:30

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:30

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:41 ngày 05/01/2023

Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Tạo đột phá trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố nền tảng, động lực cơ bản của quá trình phát triển. Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả khai thác, chế biến; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, trong khai thác than hầm lò, các đơn vị đã tích cực nghiên cứu đổi mới, áp dụng tối đa công nghệ cơ giới hóa đồng bộ ở các mỏ có điều kiện địa chất thuận lợi, nhằm nâng cao sản lượng lò chợ, năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn và giảm lao động trực tiếp nặng nhọc. Tiêu biểu là công trình “Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin” của Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin. Công trình đã vinh dự được trao tặng Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017.
Ngành than chủ động áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất, bảo vệ môi trường. (Ảnh: TTXVN) 
Hay như đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu áp dụng dây chuyền công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật các vỉa than thoải và nghiêng ở các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin chủ trì thực hiện đề xuất và lựa chọn sơ đồ công nghệ, đồng bộ thiết bị cơ giới hóa hạng nhẹ khấu than lò chợ phù hợp điều kiện địa chất - kỹ thuật mỏ vùng Quảng Ninh nhằm mở rộng phạm vi và hiệu quả áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ.
Theo nhóm nghiên cứu, công trình đã áp dụng thử nghiệm thành công tại các mỏ than Mông Dương, Khe Chàm I. Kết quả là đã tăng sản lượng lò chợ lên 2 ÷ 3 lần, năng suất lao động lên 3 ÷ 5 lần so với lò chợ thủ công trong cùng điều kiện. Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2020, toàn ngành than đã đưa vào sản xuất 10 dây chuyền khai thác cơ giới hóa đồng bộ, qua đó nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng cơ giới hóa từ 3,3% năm 2010 lên 15,3% năm 2021.
Ngoài ra, nhiều công nghệ tiên tiến khác đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như: sử dụng vì chống thủy lực di động, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò; áp dụng hệ thống giám sát khí mỏ tập trung - tự động để kiểm soát khí mỏ nhằm nâng cao mức độ an toàn, phòng ngừa sự cố cháy nổ trong các mỏ hầm lò; ứng dụng tự động hóa vào các khâu cung cấp điện, giám sát điều khiển thông gió (đóng mở cửa gió), cung cấp dung dịch thủy lực, thoát nước mỏ.
Trong khai thác than lộ thiên, công nghệ và thiết bị đã cơ bản đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận và ngang tầm với các nước trong khu vực với những đồng bộ thiết bị lớn, hiện đại, như: máy xúc dung tích gàu tới 12 m3, ô tô tải trọng từ 90 ÷ 130 tấn; ứng dụng định vị GPS trong quản lý các vận tải, phần mềm quản lý cấp phát nhiên liệu, phần mềm giao nhật lệnh sản xuất và nghiệm thu sản phẩm.
Sản phẩm thiết bị tuyển nổi tankcell 8m3 do  Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) thiết kế và chế tạo. (Ảnh: VIMLUKI)
Trong công tác chế biến than, các kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, nâng cao mức thu hồi các chủng loại than phù hợp nhu cầu tiêu thụ, thu hồi tối đa các chủng loại than khác để tiết kiệm tài nguyên, giảm mất mát tài nguyên. Một số công trình tiêu biểu như: Áp dụng công nghệ sấy than bùn sau lọc ép giảm độ ẩm than bùn <10% và pha trộn thành than cám đạt tiêu chuẩn quốc gia (Giai đoạn 1) tại Công ty Tuyển than Cửa Ông (năm 2018); hệ thống sàng đa mặt dốc hiệu suất cao tại Trung tâm Chế biến than Hòn Gai (năm 2019), Công ty Tuyển than Cửa Ông (năm 2019), Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 1 (năm 2020), Dự án Nhà máy Sàng tuyển than Khe Chàm (năm 2020) giúp nâng cao hiệu suất sàng tách cám khô, giảm thiểu cấp hạt mịn vào tuyển nước, giảm tỉ lệ than bùn, cải thiện môi trường làm việc (giảm bụi, ồn) v.v…
Trong khai thác, chế biến các loại khoáng sản khác, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công Thương đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật vào thực tiễn, mang lại những chuyển biến tích cực như: công nghệ khai thác và tuyển hợp lý quặng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại một số công ty khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan vùng Bình Thuận; công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm cho sản xuất của một số ngành công nghiệp trong nước; công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn đã được áp dụng thành công tại Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên; công nghệ chế biến khoáng chất tan vùng Phú Thọ làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ceramic, sơn, dược phẩm và hoá mỹ phẩm; công nghệ tuyển và biến tính quặng sericit làm nguyên liệu cho ngành sơn và polyme áp dụng cho mỏ vùng Hương Sơn- Hà Tĩnh; công nghệ tuyển tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền áp dụng tại Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền - Lào Cai và nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng - Lào Cai; công nghệ tuyển, chế biến quặng apatit giúp đảm bảo và ổn định chất lượng quặng tinh apatit loại III đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu có chất lượng ổn định cho nhà máy sản xuất DAP áp dụng tại Nhà máy tuyển quặng apatit của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam v.v…
Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương được giao chủ trì 09 chương trình/đề án khoa học và công nghệ các cấp. Các nhiệm vụ trong giai đoạn này tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Hà Nguyễn
lên đầu trang