Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:58

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:58

Chính sách

Cập nhật lúc 08:12 ngày 09/01/2023

Năng lượng tái tạo: Cần hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

Năng lượng tái tạo của Việt Nam đang cần những chính sách cụ thể hơn để phát triển bền vững.

Vẫn còn những điểm nghẽn
Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” diễn ra chiều 6/1, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ‘Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’ với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Nghị Quyết cũng nhấn mạnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.
Nhằm thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu đưa mức phát thải ròng về ‘0’ đến năm 2050. Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này, trong đó kế hoạch chuyển đổi năng lượng được ưu tiên thực hiện. Trong những năm qua nhờ các cơ chế khuyến khích của Đảng và Chính phủ cùng với sự vào cuộc tích của các Bộ, ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo có những bước phát triển tích cực.
Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Quang Phòng, đến thời điểm hiện tại các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.
Tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, ngân hàng, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về kế hoạch đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo từ năm 2023 để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải; các giải pháp thu hút đầu tư, nhất là vốn ngoại; xã hội hóa hoạt động đầu tư hạ tầng truyền tải. Đồng thời, đề xuất phương án cho các dự án chuyển tiếp, chính sách thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo bền vững,…
Theo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, thị trường năng lượng tái tạo cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Điện gió có đến 62 dự án tổng công suất 3.479MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có 452,62MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới. Với điện mặt trời mái nhà, gần 02 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Dự án Nhà máy Điện gió số 7 (Sóc Trăng)
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn. Cụ thể, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Thứ hai, khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…. Thứ ba, các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
‘Hiện nay cơ chế giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió - hai nguồn chủ lực trong năng lượng tái tạo đã hết hiệu lực, cần đưa ra định hướng trong giai đoạn tiếp theo’, ông Nguyễn Văn Vy kiến nghị.
Tập trung hoàn thiện quy hoạch điện quốc gia
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - (Bộ Công Thương) - cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Toàn cảnh Diễn đàn
Hiện nay trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.
Ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ, Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Đồng thời, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.
Về năng lượng tái tạo, chúng ta nói nhiều đến dự án ngoài khơi - một trong những quy hoạch quan trọng là quy hoạch không gian biển, tích hợp điện gió ngoài khơi. Tiếp theo là các cơ chế hỗ trợ giá đã kết thúc, với các cơ chế khuyến khích này thì quy mô đã đạt khoảng 20,7kmW chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 27% tổng công suất điện.
Với công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến, giá thành ngày càng giảm thì các cơ chế khuyến khích này cần có thời gian nhất định và cần chuyển sang cơ chế cạnh tranh tiếp cận thị trường. Sau khi kết thúc cơ chế khuyến khích hiện nay, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhà đầu tư sau khi được lựa chọn sẽ tiến hành lập đàm phán với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
'Theo Luật điện lực, để đảm bảo tính tự quyết của bên mua điện, bên bán điện, Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn về trình tự lập thẩm định và ban hành khung giá bán điện, trên cơ sở đó nhà đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đàm phán về giá điện.
Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư theo luật nhà đầu tư, luật đấu thầu, thì các cấp thẩm quyền vẫn đang thực hiện, hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi về những khó khăn khi chọn nhà đầu tư. Các chính sách hiện nay chủ yếu còn Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi cần có quy hoạch không gian biển. Đây là những quy hoạch quan trọng quốc gia để đảm bảo cùng với các hành lang pháp lý đầy đủ, để triển khai được phát triển điện tái tạo nói riêng và ngành điện nói chung trong thời gian tới', Phạm Nguyên Hùng nói.

Trao chứng nhận cho các Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2022 được bình chọn
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức đã công bố và trao chứng nhận cho các Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2022 được bình chọn.
Theo Báo CôngThương
lên đầu trang