Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:57

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:57

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:58 ngày 13/01/2023

Vinacomin nghiên cứu thành công phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho mỏ khai thác than lộ thiên

Nhằm hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức các mỏ khai thác than lộ thiên, phù hợp với thực tế sản xuất, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.”
Các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn là các mỏ khai thác than lộ thiên lớn của Việt Nam, đều đã được khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy từ nhiều năm nay và vẫn tiến hành bơm thoát nước cưỡng bức trong hàng chục năm tiếp theo. 
Tuy nhiên, từ trước tới nay việc tính toán thoát nước cưỡng bức trong các dự án đầu tư và thiết kế đối với các mỏ được khai thác bằng phương pháp lộ thiên lớn và sâu trong điều kiện khí hậu mưa mùa nhiệt đới nói chung và các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn nói riêng là chưa phù hợp với thực tế sản xuất qua quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên.
Một góc mỏ than Đèo Nai (Ảnh: vinacomin.vn/)
Để phù hợp với thực tế sản xuất và khoa học nhất, việc tính toán số máy bơm của một trạm phải thỏa mãn điều kiện bơm hết lượng nước của tháng lớn nhất có để lại duy trì đáy moong bị ngập nước ở một mức nhất định, đồng thời tháng cuối mùa mưa phải bơm cạn nước ở đáy moong để tiến hành khai thác bình thường. Tức là tháng cuối mùa mưa phải bơm hết lượng nước duy trì của các tháng trước và lượng nước chảy vào mỏ trong tháng đó. 
Nhằm giải quyết vấn đề này, TS. Lê Đức Phương (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin) cùng cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn.”
Nội dung chính của nghiên cứu bao gồm việc đánh giá phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức của các dự án, thiết kế trong thời gian qua và hoàn thiện phương pháp tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý. 
Sau 18 tháng thực hiện, đề tài đã tìm ra phương án tính số bơm cần thiết cho 1 trạm sao cho phù hợp với thực tế sản xuất, cũng như tính toán được lưu lượng nước cần bơm, số bơm cần thiết cho 1 trạm; tính được các chỉ tiêu khác như lượng nước duy trì dưới đáy mỏ và chiều sâu ngập nước trong mùa mưa.
Theo TS. Lê Đức Phương, kết quả tính toán cho thấy số lượng máy bơm của một trạm phù hợp với số máy bơm được đầu tư trong thực tế sản xuất và chỉ bằng 1/3 số máy bơm được tính toán theo phương pháp đã tính trong các dự án và thiết kế trước đây. 
Với việc hoàn thiện được phương pháp và đưa ra được công thức tính toán thoát nước cưỡng bức hợp lý cho các mỏ khai thác lộ thiên lớn và sâu nói chung và các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn nói riêng phù hợp với thực tế sản xuất và với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, đề tài đã được Bộ Công Thương nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng cho các đơn vị tư vấn, thiết kế mỏ và thống nhất phương pháp tính toán cho các đơn vị sản xuất mỏ lộ thiên sâu và lớn trong thời gian tới.
An Nhiên
lên đầu trang