Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 14:58

Thứ tư, 24/04/2024 | 14:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:36 ngày 11/01/2023

Bước tiến mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đã nỗ lực chuyển đổi số, số hoá các hoạt động của ngành và thực hiện chính phủ điện tử tổng thể, toàn diện.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-BCT ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP.
Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đã nỗ lực chuyển đổi số, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể, toàn diện
Cụ thể, về chuyển đổi số và số hóa các hoạt động của ngành và thực hiện Chính phủ điện tử. Đặc biệt, về triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến thời điểm này, tất cả thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) với hơn 40.000 doanh nghiệp tham gia khai báo.
Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến quý III/2022 là 1.215.463 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ. Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021), thực hiện cam kết của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN: Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong 8 tháng đầu năm 2022 là 297.713 hồ sơ.
Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 204.066 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-BCT ngày 28/3/2022 Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và Quyết định 262/QĐ-BCT ngày 01/3/2022, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác của Bộ Công Thương triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối thành công Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ Công Thương (LGSP) với Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung Quốc gia (NGSP), góp phần đẩy mạnh việc phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung và đã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia, kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin của Bộ Công Thương với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bộ Công Thương. Bộ Công Thương hiện đang làm việc với Bộ Công an để tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Công Thương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước mắt, Bộ sẽ sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Về mặt tích hợp, làm giàu dữ liệu dân cư, Bộ sẽ triển khai chia sẻ dữ liệu về hợp đồng điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ: Bộ đã tổ chức triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet), tiếp nhận và sử dụng chính thức Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ), qua đó thể hiện quyết tâm trong tiến trình cải cách hành chính, là bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Về triển khai hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương (Hệ thống iMOIT): Đã được triển khai đồng bộ, toàn diện tại 30/30 đơn vị trực thuộc Bộ về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và liên tục được nâng cấp và hoàn thiện các chức năng của Hệ thống iMOIT nhằm đáp ứng theo các yêu cầu kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia.
Về xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ nhằm triển khai Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định 09/2019/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ để kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
Về xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp: Đến nay, Bộ đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công Thương, đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang