Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 20:55

Thứ tư, 24/04/2024 | 20:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:17 ngày 06/02/2023

Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành da giầy Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giầy Việt Nam đến năm 2030

Tính tới năm 2019, toàn ngành da giầy có trên 2000 doanh nghiệp (DN) sản xuất giầy dép, túi-ví-cặp các loại và nguyên phụ liệu, sử dụng khoảng 1,5 triệu lao động. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giầy dép chiếm 8% thị phần toàn cầu. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giầy Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 đã nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất thông qua các hình thức mua bán, chuyển giao công nghệ từ các nước có nền công nghiệp da giầy phát triển”.
Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất da giầy. Hiện doan nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy. Trong chuỗi giá trị sản xuất da giầy, hầu hết các doanh nghiệp trong nước sản xuất gia công thuần túy với mẫu thiết kế, nguyên phụ liệu và phân phối sản phẩm đều do nhà nhập khẩu nước ngoài thực hiện, nên có giá trị gia tăng thấp. Trong khi doanh nghiệp FDI sản xuất theo phương thức OEM (FOB), tự cung ứng nguyên phụ liệu nên đạt giá trị gia tăng cao hơn. Năng lực thiết kế mẫu, hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm và công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giầy tại Việt Nam nói chung còn yếu kém, đã hạn chế sự phát triển của ngành. Ngành da giầy hiện còn phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng nhanh do mức lương tối thiểu và giá mua nguyên phụ liệu tăng cao hàng năm.
Ảnh minh họa
Năng suất lao động trong ngành da giầy tại Việt Nam chưa cao, nhất là tại các nhà máy của doanh nghiệp trong nước. Theo khảo sát của Hiệp hội Da Giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO), các DN sản xuất giầy thể thao trên thế giới có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số hóa, có thể đạt năng suất trung bình 1.2 đôi giầy/giờ/người lao động, trong khi năng suất trung bình tại Việt Nam chỉ đạt 0.7 đôi/giờ/người lao động. Ngoài ra, do đầu tư sản xuất da giầy tập trung tại một số vùng, nên có tình trạng lao động di cư, gây biến động lớn về lao động và mất cân đối cung cầu cục bộ về nguồn nhân lực tại các địa phương.
Hiện nay trên phạm vi thế giới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đã và đang tạo ra phương thức sản xuất mới, làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm da giầy, từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, dịch vụ hậu cần đến dịch vụ khách hàng, tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các DN, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, phân phối, làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 13 Sản xuất da giầy là một trong các ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ CMCN4.0. Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các dự báo tác động của CMCN4.0 đối với các ngành sản xuất công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giầy… Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo công nghệ tự động hóa có thể thay thế tới 47% việc làm, trong khi Báo cáo của ILO dự báo thiết bị tự động hóa của công nghiệp 4.0 có thể thay thế nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giầy tại Việt Nam trong 10 năm tới.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Hiệp hội da giầy-túi xách Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Cử nhân Nguyễn Đức Thuấn thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành da giầy Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giầy Việt Nam đến năm 2030” với mục tiêu: Đánh giá được tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến ngành da giầy Việt Nam; Đề xuất được định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giầy Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Khái niệm về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) hay Công nghiệp 4.0 có từ năm 2012 từ nước Đức, là sự thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo nhờ ứng dụng một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu trong sản xuất, mà không cần sự tham gia của con người. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 (ngày 13/01/2016) tại Thụy Sĩ, với chủ đề “Cuộc CMCN lần thứ tư”, Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã cho rằng: “Công nghiệp 4.0 với sự tham gia của nhiều nước đã trở thành một phần quan trọng của cuộc CMCN4.0 và nhân loại đang đứng trước một cuộc CMCN mới, có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Quy mô, phạm vi và sự phức tạp của lần chuyển đổi này không giống như bất kỳ điều gì mà loài người đã từng trải qua”.
Tâm điểm của Công nghiệp 4.0 là Nhà máy thông minh (còn gọi là nhà máy số). Theo Deloitte Insights, nhà máy thông minh (ifactory, smartfactory) là sự tiến hóa vượt bậc từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất được kết nối linh hoạt, có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tính năng quan trọng nhất của nhà máy thông minh chính là bản chất được kết nối, đó cũng là một trong những giá trị quan trọng nhất, trong đó các quy trình sản xuất và vật liệu chính được kết nối để tạo ra những dữ liệu cần thiết phục vụ đưa ra quyết định theo thời gian thực. Trong các nhà máy thông minh, hệ thống không thực-gian ảo (CPPS) sẽ giám sát các quá trình vật lý (hoạt động của thiết bị trên dây chuyền sản xuất), tạo ra một bản sao ảo thế giới vật lý của toàn bộ nhà máy. Với internet vạn vật (IoT), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, trong đó con người tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ.
Nhà máy thông minh là một hệ sinh thái trong đó các thiết bị hoạt động theo một quy trình tự động hóa ở mọi khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh, từ khâu kiểm định nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lắp ráp, cho tới các khâu kiểm tra chất lượng thành phẩm, đóng gói, logistics, bán hàng… trong một chu trình vận hành thông minh sử dụng các phần mềm quản lý và kết nối mạng. Các phần mềm quản lý sử dụng trong Nhà máy thông minh bao gồm: phần mềm quản trị phát triển sản phẩm, thiết kế 3D; phần mềm quản trị vật tư, kho vận; phần mềm quản trị sản xuất, quản trị công nghệ và máy móc, thiết bị sản xuất; phần mềm quản trị chất lượng thành phẩm; phần mềm quản lý phân phối, bán hàng; phần mềm quản trị kế toán–tài chính, quản trị nguồn nhân lực và các phần mềm bảo mật.
Các thiết bị tự động hóa trên dây chuyền công nghệ được gắn cảm biến thông minh có thể liên tục cập nhật các số liệu cả nguồn mới và truyền thống, phản ánh đầy đủ các thông số về sản xuất theo thời gian thực. Các hoạt động được thực hiện có độ tin cậy cao với sự can thiệp tối thiểu của con người. Quy trình sản xuất tự động và đồng bộ hóa, theo dõi và lập lịch trình để đạt mức tiêu thụ năng lượng tối ưu, trong khi vẫn gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như giảm chi phí và thời gian sản xuất. Với hệ thống này, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, giảm thời gian chết, có khả năng dự báo và tự điều chỉnh.
Đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của CMCN lần thứ tư đối với ngành da giầy Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển NDGVN đến năm 2030” đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu và đạt được mục tiêu đề ra:
Đã cơ bản làm rõ được bản chất và các nội dung chính của CMCN4.0, ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0 trong ngành da giầy thế giới. Đánh giá được tác động CMCN4.0 đến ngành da giầy, xu hướng phát triển và kinh nghiệm của một số quốc gia trong bối cảnh CMCN4.0.
Đã đánh giá được thực trạng của NDGVN trong bối cảnh CMCN4.0 theo các nhóm yếu tố: thiết bị và công nghệ, phương thức sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị DN, chuỗi cung ứng da giầy, đầu tư vào R&D.
Đã đánh giá được tác động của CMCN4.0 đối với sự phát triển của NDGVN: tác động đến sản xuất và kinh doanh của các DN, đến mô hình quản trị sản xuất, đến mối liên kết chuỗi cung ứng, đến sản xuất bền vững và môi trường, đến các vấn đề LĐ và xã hội.
Đã đánh giá lượng hóa khá chính xác tác động của CMCN4.0 đến mức giảm LĐ và tăng năng suất LĐ ngành da giầy đến năm 2030. Mức giảm LĐ không lớn như các công bố trước đây của các tổ chức, và ngành da giầy vẫn cần thêm nhân lực để mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên ngành sẽ đòi hỏi người LĐ phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về cả trình độ tay nghề và ý thức đối với công việc.
Đã đề xuất được mô hình phát triển của NDGVN trong bối cảnh CMCN4.0, cụ thể đối với mô hình sản xuất giầy da và giầy thể thao, với yếu tố tăng cường tự động hóa và chuyển đổi số, kết hợp ứng dụng Lean phù hợp với điều kiện phát triển của DN da giầy nước ta. Mô hình có tính khả thi cao và các DN có thể tham khảo để định hướng đầu tư, chuẩn bị nhân lực, vật lực để có thể đạt được mức độ tự động hóa xác định, đạt được mức tăng năng suất dự kiến.
Đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển và đưa ra các kiến nghị với Chính phủ xây dựng các chính sách hỗ trợ DN của NDGVN đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng những nhà máy quy mô lớn, ứng dụng các công nghệ thành tựu của cuộc CMCN4.0, tận dụng lợi thế lực lượng LĐ trẻ để phát triển NDGVN, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về tác động của CMCN4.0 đến NDGVN nhằm hỗ trợ các DN ứng dụng thành công các thành tựu CMCN4.0 để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nguồn: www.vista.gov.vn/
lên đầu trang