Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:46

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:46

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:59 ngày 21/03/2023

Trường Đại học Sao Đỏ nghiên cứu thành công quy trình bảo quản thóc giống bằng công nghệ sấy lạnh

Áp dụng công nghệ sấy lạnh trong bảo quản thóc giúp sản phẩm giữ được màu sắc tự nhiên, chất lượng sản phẩm sấy tốt, giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn so với phương pháp sấy nóng truyền thống.
Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm của Đồng bằng Bắc bộ với diện tích trồng lúa lớn, đặc biệt là diện tích lúa làm giống. Tuy nhiên, việc xử lý sản phẩm lúa gạo sau thu hoạch chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ sấy nóng. Đây là công nghệ đòi hỏi sử dụng nguồn nhiệt lớn từ việc đốt than, dầu, truyền trực tiếp vào vật liệu sấy, dễ dẫn tới khả năng nóng cục bộ, trong khi thiết bị cồng kềnh, chiếm phần lớn diện tích nhà xưởng.
Kết quả thu được là sản phẩm thóc giống sau khi sấy thường không có chất lượng cao, tỷ lệ nảy mầm và giá cả sản phẩm tương đối thấp, người sản xuất không mấy mặn mà với việc quan tâm đầu tư và phát triển sản phẩm.
Hải Dương là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa giống cao (Ảnh: haiduongdost.gov.vn/)
Để tăng khả năng bảo quản thóc, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất lúa giống cho mỗi đợt gieo cấy mới, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt, giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Sao Đỏ thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sấy lạnh để sấy thóc giống”. Mục tiêu nhằm nghiên cứu, phát triển thành công quy trình công nghệ sấy lạnh để sấy thóc giống, nâng cao tỷ lệ nảy mầm cho hạt thóc giống và đảm bảo an toàn cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.  
Nắm bắt yêu cầu đề ra, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sao Đỏ đã bắt tay vào thực hiện, nghiên cứu và chế tạo được thiết bị sấy lạnh bao gồm: 01 bơm nhiệt để tách ẩm công suất 1,5 kW, 01 mô tơ tạo chuyển động cho thùng quay công suất 1,5 kW, hệ thống điều khiển công suất 0.05 kW, chiếu sáng 0.75 kW.
Từ hệ thống nàynhóm nghiên cứu phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng tỉnh Hải Dương tiến hành thử nghiệm công nghệ sấy lạnh trong điều kiện thực tế, áp dụng với 03 loại thóc giống Bắc thơm, Nếp 97 và BC15 với quy mô 3 loại giống/vụ, 3 lần/loại giống/vụ x 2 vụ, 270 kg/lần, tổng số 4.860 kg thóc giống.
Chia sẻ về quy trình thực hiện sấy, TS. Nguyễn Trọng Các - Trưởng khoa Điện, Đại học Sao Đỏ - cho biết: "Thóc sau khi được thu hoạch sẽ được loại bỏ các hạt lép thông qua máy sàng lọc chuyên dụng và được kiểm tra độ ẩm bằng máy đo độ ẩm PM60, sau đó sẽ được cho vào lò sấy của máy sấy lạnh. Sau 5 tiếng sẽ đo độ ẩm lần 1, mỗi tiếng sau sẽ tiến hành kiểm tra độ ẩm 1 lần cho đến khi độ ẩm đạt nhỏ hơn 13% thì dừng lại. Thóc được lấy ra sẽ để ở phòng có nhiệt độ từ 25-28 độ C và được đóng vào bao nilon".
Thiết kế thiết bị sấy lạnh của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Sau khi quá trình sấy được hoàn tất, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá chất lượng hạt giống, kiểm tra, so sánh chất lượng và hiệu quả kinh tế so với thóc giống được áp dụng công nghệ sấy nóng tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng tỉnh Hải Dương. Kết quả cho thấy, hạt giống sau khi được sấy lạnh trong khoảng 19 - 22 tiếng đều có độ ẩm duy trì từ 11 - 13%, đạt tiêu chuẩn QCVN 01-54:2011/BNNPTNT đáp ứng yêu cầu về thóc giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, công nghệ sấy lạnh cũng cho thấy những ưu điểm tích cực như: nhiệt độ sấy thấp khiến hạt giống sau khi sấy không bị mất màu, mất chất dinh dưỡng do tác động nhiệt; tỉ lệ nảy mầm đối với hạt giống cao hơn.
Ngoài ra, công nghệ sấy lạnh cũng cho thấy sự phù hợp với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ khi ghi nhận mức điện năng tiêu thụ chỉ đạt 62 kWh/mẻ, thấp hơn khoảng 200 kWh so với công nghệ sấy nóng. Chi phí sản xuất giảm đáng kể với tổng chi phí cho nhân công và nhiên liệu cho 1 kg thóc là 599,863 đồng/kg. Cùng với đó, công nghệ sấy lạnh cũng không tạo ra khí thải độc hại cho môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trực tiếp, không tạo ra bụi phát tán gây ô nhiễm ngoài môi trường,...
Thiết bị sấy lạnh của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Với những ưu điểm vượt trội, kết quả của đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sấy lạnh để sấy thóc giống” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ đã được đưa vào ứng dụng trực tiếp để sấy và bảo quản thóc giống tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng tỉnh Hải Dương. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng được Trung tâm thông tin khoa học công nghệ và Tin học tỉnh Hải Dương xây dựng phóng sự tuyên truyền trong các hội nghị, hội thảo khoa học của nhà trường và đăng tải trên trang website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn tại tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Trường Đại học Sao Đỏ được thành lập từ ngày 15/5/1969, là một trong những cơ sở đào tạo giáo dục đại học trực thuộc Bộ Công Thương, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng.
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sao Đỏ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 26 Huân chương các loại trong đó: 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; 08 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; 01 Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Ba…
Quang Ngọc
lên đầu trang