Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 06:19

Thứ năm, 25/04/2024 | 06:19

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:08 ngày 13/02/2023

Hà Nội mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm ATTP

Năm 2022, Hà Nội đã thành lập khoảng 1.000 đoàn thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, phát hiện 10.888 cơ sở vi phạm, phạt tiền 1.419 trường hợp với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. 
Các cơ sở này sẽ cung ứng lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố, số còn lại nhập từ các tỉnh hoặc nước ngoài. Do đó, để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, lực lượng chức năng, ban, ngành thành phố đã liên tục triển khai các biện pháp, đôn đốc thực hiện nhiều nhiệm vụ, thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trong năm 2022, Hà Nội đã thành lập khoảng 1.000 đoàn thanh kiểm tra an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc rà soát, kiểm nghiệm, test nhanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, thực phẩm trong chợ, sản xuất rau an toàn, kinh doanh trái cây… Đặc biệt trong các dịp lễ Tết, Tháng hành động an toàn thực phẩm, đoàn công tác tập trung đẩy mạnh việc kiểm soát các mặt hàng thực phẩm có mức tiêu thụ cao như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát,... nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, chất lượng cho người dân toàn thành phố.
Tổng cộng, các đoàn công tác đã tiến hành thanh tra, kiểm soát 57.653 cơ sở, ghi nhận 45.929 cơ sở đạt chất lượng, phát hiện 10.888 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm phạt tiền đối với 1.419 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng còn tiến hành khởi tố hình sự 4 vụ, tịch thu, tiêu hủy tất cả các sản phẩm, hàng hóa vi phạm chất lượng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Nội (ngoài cùng bên trái) kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. (Ảnh: thanglong.chinhphu.vn/)
Tại huyện Đan Phượng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ luôn được các ban, ngành, đoàn thể của huyện đặt lên hàng đầu. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện được quản lý, giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng liên tục triển khai công tác thanh tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại 2.543 cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện, ghi nhận tỉ lệ đạt yêu cầu là 2.362/2.543 (92,9%); tiến hành làm xét nghiệm kiểm định với 9.440 mẫu thực phẩm, với số mẫu đạt 8.756/9440 mẫu (92,8%).
Song song với công tác kiểm tra rà soát, lực lượng chức năng toàn thành phố cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức cho người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tuân thủ nghiêm, chấp hành tuyệt đối các quy định của pháp luật, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả. Cùng với đó, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cũng mở các lớp hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tiếp cho các chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đến tham gia, với 864 buổi được tổ chức, 37.428 lượt người tham gia, phát 103.848 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm. 
Đồng thời, với các cá nhân là cán bộ phụ trách bếp ăn tập thể tại trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các quận Thanh Xuân, huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về nghiệp vụ quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú; phối hợp với quận Long Biên, quận Bắc Từ Liêm, huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì tổ chức các lớp tập huấn triển khai các biện pháp chuyên môn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và các cơ sở thực phẩm tại tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm…
Từ những kết quả đạt được trong năm 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm, kiểm nghiệm… nhằm đảm bảo tốt nhất công tác an toàn thực phẩm trong năm 2023. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiệm, buộc các cơ sở phải ký cam kết không tái phạm, công khai Giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị, các chương trình, đề án, dự án,... nhằm đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại chất lượng thực phẩm tốt nhất cho người dân thủ đô.
Quang Ngọc
lên đầu trang