Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:05

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:05

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:37 ngày 20/02/2023

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động?

Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh...
Theo Tổng cục Thống kê, tăng năng suất lao động (NSLĐ) doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian qua nhìn chung ở mức khả quan (năm 2020 đạt 309,9 triệu đồng/lao động, gấp hơn 2 lần NSLĐ của toàn nền kinh tế). Tuy vậy vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu; phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu; nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài công nghệ trung bình, chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.
Đó cũng chính là những hạn chế của nền kinh tế như nhận định tại Đại hội XIII của Đảng: “Năng lực và trình độ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế...”. Với thực trạng NSLĐ như hiện nay sẽ là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp có thể đứng vững và cạnh tranh trên thị trường với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy nâng cao NSLĐ trong các doanh nghiệp là cần thiết, do đó, cần thực hiện các giải pháp sau:
Xác định mô hình sản xuất phù hợp
Một mô hình sản xuất tụt hậu, không bắt kịp xu hướng phát triển chung sẽ không mang lại hiệu quả làm tăng NSLĐ cho doanh nghiệp. Mô hình sản xuất phải phù hợp với cơ chế thị trường và chống chịu tốt với các cú sốc bên ngoài để hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất để ứng phó với trạng thái bình thường mới.
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý. Lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới. 
Hoàn thiện quản trị sản xuất
Các cơ quan chức năng cần phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng hệ thống chỉ tiêu và thước đo NSLĐ đối với tất cả hoạt động sản xuất. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng hiện nay doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa có hệ thống chỉ tiêu thống nhất đánh giá theo cách tiếp cận mới, hội nhập với khu vực và thế giới.
Căn cứ vào hệ thống sản xuất hiện tại và tình hình thực hiện các mục tiêu kế hoạch sản xuất để lựa chọn mục tiêu hợp lý; xác định rõ mục tiêu hoàn thiện năng suất trong sản xuất. Mục tiêu phải lượng hoá được bằng các con số cụ thể, có tính khả thi nhưng thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ cạnh tranh khác.
Phân tích, đánh giá quá trình sản xuất và phát hiện những khâu yếu nhất để có những biện pháp khắc phục, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thận trọng, đánh giá tất cả các khâu, các bộ phận, về khả năng kỹ thuật, thiết bị, con người, nguyên liệu và sự phối hợp đồng bộ giữa các nhân tố này. Tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động. Định kỳ đánh giá kết quả của các biện pháp hoàn thiện tăng NSLĐ và công bố rộng rãi, khen thưởng kịp thời.
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất. Ảnh minh hoạ
Đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ
Phần lớn doanh nghiệp ở nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn sử dụng công nghệ máy móc cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam hiện chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều so với con số trung bình 40% của các nước đang phát triển).
Trong đó, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước và 75% máy móc đã hết khấu hao. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới máy móc và trang thiết bị hiện đại để duy trì và nâng cao NSLĐ của doanh nghiệp. Việc đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị cần quan tâm đến hoạt động chuyển giao này từ các nước phát triển và hoạt động R&D. Việc chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện thông qua các hoạt động FDI, nhập khẩu công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị mới…
Một trong những nguyên nhân gây cản trở gia tăng NLSĐ trong doanh nghiệp của Việt Nam là do phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất, năng lực cạnh tranh kém, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn.
Theo đó, doanh nghiệp có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới.   
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tăng NSLĐ trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế tăng dần qua các năm, trong đó năm 2015 là 20,4%; năm 2018 là 22,0% và đến năm 2020 đạt 24,1%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng vào công tác tuyển dụng vì đó là một trong những hoạt động có tác động đến chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Do đó cần xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn làm việc; đồng thời thúc đẩy việc nhân viên tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo trực tuyến, qua mạng internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự vì đó chính là cách để tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả của hoạt động quản lý, thúc đẩy nhân viên hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày một tăng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất của các doanh nghiệp. Mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm là để tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm. Đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu đúng quy cách, chủng loại, chất lượng, thời gian vận chuyển và bảo quản; áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện đại; nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên trong việc quản lý chất lượng sản phẩm.
Tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động. Để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cần xác định việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp là nhiệm vụ chung trong chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo.
Cơ sở đào tạo cần có bộ phận độc lập, làm chức năng nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp, kết nối việc làm cho sinh viên; cần chủ động tiếp cận với doanh nghiệp ở mọi thời điểm, khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do doanh nghiệp tổ chức.
Thường xuyên lắng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo tăng cường thời lượng thực hành, thực tập theo cơ cấu 50-50, cung cấp cho người học cơ hội được tiếp xúc sớm với ngành nghề mình lựa chọn.
Chú trọng đào tạo kỹ năng và thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc nghiêm túc (đây vốn là những điểm yếu của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường). Từ việc đánh giá của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cần điều chỉnh kịp thời các nội dung đào tạo, dạy nghề theo hướng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần quan tâm, trang bị kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin để người học có khả năng thích ứng ngay với công việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cử chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện tiếp nhận giảng viên, cán bộ quản lý của cơ sở đào tạo đến doanh nghiệp học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế trong môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo vietq.vn/
lên đầu trang