Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:08

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:08

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:08 ngày 10/03/2023

Còn nhiều khó khăn trong việc quản lý chất lượng thực phẩm, mặt hàng nông sản tại thành phố Đà Nẵng

Với hơn 80% lượng nông sản, thực phẩm được cung ứng từ nơi khác, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm là yêu cầu cần thiết để thành phố duy trì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Điển hình trong thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng đã liên tục triển khai ra quân, thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. 
Trong dịp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023, từ ngày 20/12/2022 - 20/01/2023, thành phố đã triển khai công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng tại 221 cơ sở, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của nhân dân và du khách như thực phẩm tươi sống, sản xuất kinh doanh chả các loại, sản xuất bò khô, mực khô, cơ sở sản xuất bánh, kẹo mứt, rượu bia các loại... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ các tiệc chiêu đãi cuối năm. Qua các đợt kiểm tra đều ghi nhận kết quả tích cực, với việc giám sát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống được duy trì ổn định, tạo môi trường thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố.
Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. (Ảnh: antoanthucpham.danang.gov.vn/)
Nối tiếp đợt kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm để đảm bảo người dân thành phố luôn được sử dụng các loại thực phẩm an toàn, chất lượng nhất. Chẳng hạn, phòng Y tế quận Thanh Khê vừa qua đã tổ chức lấy mẫu các loại rau, củ, quả tại chợ Quán Hộ, chợ Tam Thuận và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm để xét nghiệm các chỉ tiêu trong nông sản như Carbendazim, Permethrin, Bifenthrin. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra nguồn nước uống để xét nghiệm các chỉ tiêu như Coliforms,. P.aeruginosa, E. coli, Clostridia, Enterococci.
Quá trình kiểm tra diễn ra dày đặc, ở nhiều cơ sở, hàng quán, nhưng theo đánh giá chung của lực lượng chức năng và các đơn vị có chuyên môn, việc kiểm tra, xét nghiệm các hoạt chất trong thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Hồ Thuyên - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê: “Hiện nay có rất nhiều hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong trồng trọt nhưng các đơn vị thực hiện xét nghiệm chỉ xét nghiệm được một số thuốc bảo vệ thực vật nhất định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng nông sản, khi mà dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát hết. Ngoài ra, việc trả kết quả xét nghiệm chậm cũng gây nhiều khó khăn, địa phương chỉ có thể kiểm soát, cảnh báo nguy cơ về sau mà thôi”
Còn theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, dù thành phố đã tổ chức nhiều đợt xét nghiệm thực phẩm và nông sản, nhưng thực tế trong nhiều năm nay, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông sản luôn ở trong tình trạng vượt ngưỡng cho phép. Điều này gây ra những rào cản kỹ thuật trên con đường hội nhập, xuất khẩu của nông sản Việt Nam, cũng như gây lo ngại cho người dân ở góc độ tiêu dùng.
Trước thực trạng này, để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo người dân thành phố được sử dụng mặt hàng nông sản an toàn, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức ký kết các chuỗi cung ứng nông sản an toàn với những cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn nông sản sạch, an toàn VietGap, GlobalGap từ các địa phương như Quảng Nam, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Định, Gia Lai… nhằm giúp địa phương truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng. 
“Điều đáng tin cậy là người nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã được tập huấn và giám sát kỹ về các quy trình, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ làm hạn chế, loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc, phun thuốc một cách ngẫu hứng, tùy tiện trong trồng trọt hiện nay. Khi các kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng đúng dưới sự hỗ trợ, giám sát của cơ quan chức năng thì chất lượng nông sản sẽ an toàn khi đến tay người tiêu dùng” - ông Nguyễn Tấn Hải cho biết thêm.
Cùng với việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân, Đà Nẵng cũng chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách lựa chọn các sản phẩm, nông sản chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để mang lại đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe mỗi người. Đồng thời, tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trường học, thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm, giúp những người quản lý, người trực tiếp tham gia chế biến có thể tìm hiểu, lựa chọn và sử dụng thực phẩm sạch được dễ dàng và hiệu quả.
Quang Ngọc
lên đầu trang