Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:40

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:40

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:05 ngày 10/03/2023

Hậu Giang mạnh tay với các trường hợp vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong giai đoạn kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện theo Kế hoạch số 1637/KH-BCĐTƯATTP ngày 05/12/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3368/ATTP-NĐTT ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Cục An toàn thực phẩm về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Kế hoạch số 14/KH-BCĐ ngày 14/12/2022 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023, tỉnh Hậu Giang đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, thành lập nhiều đoàn công tác, tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại 01 cơ sở trên địa bàn tỉnh (Ảnh: baohaugiang.com.vn/)
Tổng cộng, trong đợt cao điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 05 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 12 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 04 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Kết quả kiểm tra ghi nhận có 08 cơ sở đạt đủ điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, 13 cơ sở còn lại không đạt đủ yêu cầu đề ra. Các lỗi vi phạm chủ yếu mà các cơ sở mắc phải bao gồm: sử dụng phương tiện đo có hiệu chuẩn đã hết hiệu lực; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ;... Trong số 13 cơ sở, có 12 cơ sở đã khắc phục những hạn chế, vi phạm; còn 01 cơ sở bị do không tuân thủ nên đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, việc các cơ sở mắc lỗi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu do điều kiện còn nhiều hạn chế; chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến chưa chú ý đến các yêu cầu, quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. 
Bởi vậy, trong quá trình kiểm tra thực tế tại các cơ sở, lực lượng chức năng cũng phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở sản xuất và người trực tiếp chế biến, nâng cao nhận thức về việc chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tránh xảy ra tình trạng tiếp diễn. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, đảm bảo cho người dân trong thời gian tới. 
Quang Ngọc
lên đầu trang