Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:18

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:17 ngày 09/03/2023

Khơi “dòng chảy” thương mại hóa công nghệ - Bài 3: Vai trò “hạt nhân” từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Sự ra đời Khu công nghệ cao Hòa Lạc - nơi được ví như “thung lũng Silicon” của Việt Nam chính là một “đặc khu” để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ.
“Cầu nối” gắn kết giữa khoa học và sản xuất
Nằm cách đường vành đai 3 TP. Hà Nội hơn 20km về phía Tây, chúng tôi có dịp đến Khu công nghệ cao Hoà Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội vào một ngày cuối năm. Không khó để nhận ra sự thay đổi “chóng mặt” nơi đây sau hơn 2 thập kỷ thành lập với nhiều viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã “bén rễ” phát triển. Đồng thời, là đầu mối quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm quan Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Giám đốc Ban Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công cao Hòa Lạc - ông Nguyễn Thành Huy cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Khu công cao Hòa Lạc tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với mục tiêu: Khu công cao Hoà Lạc là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao trong cả nước.
Trên cơ sở đó, Khu công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng và phát triển với trọng tâm là việc gắn kết giữa khoa học và sản xuất với 6 mục tiêu chính: Chuyển giao công nghệ vào Việt Nam; Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam; Liên kết giữa sản xuất và nghiên cứu - triển khai tại Việt Nam; Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam; nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của Việt Nam; Sáng tạo các công nghệ cao thực sự có ích cho sự phát triển của Việt Nam.
Cùng với đó, 6 phương châm hoạt động được đề ra gồm: Gắn kết nghiên cứu và triển khai tại khu với hoạt động nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ phạm vi trong và ngoài khu, Khu công cao Hoà Lạc đóng vai trò như một cửa khẩu công nghệ cao quan trọng của Việt Nam; chú ý thích đáng đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao;
Xây dựng năng lực nội sinh về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Khu công nghệ cao Hoà Lạc là Vườn ươm công nghệ cao của Việt Nam; quan tâm đặc biệt đến phát triển công nghệ phần mềm; liên kết có hiệu quả với Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị nghiên cứu và triển khai và doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc; Đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, trong quá trình hoạt động Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao, dự án nghiên cứu - triển khai, dự án hỗ trợ hoạt động nghiên cứu - triển khai, ươm tạo công nghệ được đầu tư bởi các tổ chức, đơn vị, trong đó có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
“Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã nghiên cứu, sản xuất được các sản phẩm từ công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, đồng thời bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo” - ông Nguyễn Thành Huy nhấn mạnh.
Chia sẻ một số kết quả nổi bật trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Nguyễn Thành Huy cho hay, hiện đã có 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định giao đất vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc (có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.723 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 370ha, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và nước ngoài.
Qua hoạt động đầu tư các dự án nghiên cứu - triển khai, các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các các công nghệ lõi, công nghệ cao thuộc thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
“Trong đó, có những công nghệ mới, công nghệ chủ yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở trình độ thế giới được chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam” - ông Nguyễn Thành Huy nói.
Đơn cử như các hoạt động chuyển giao công nghệ được thực hiện trong các dự án của các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau trong khu như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng, các sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị điện, điện tử, sản phẩm động cơ máy bay, sản phẩm vaccine cho người, các sản phẩm dược phẩm mới… có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm công nghệ
Theo ông Nguyễn Thành Huy, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc luôn lấy việc xây dựng năng lực nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực công nghệ cao là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau một thời gian hoạt động đã đạt được một số kết quả bước đầu như đã thu hút đầu tư được các doanh nghiệp lớn, có thể nói là hàng đầu Việt Nam, có thể dẫn dắt các hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Đồng thời, đã xây dựng được hạ tầng khoa học và công nghệ, phòng thí nghiệm để nghiên cứu, phát triển các công nghệ cao, công nghệ mới, sản phẩm mới có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu; bắt đầu hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; bắt đầu hình thành mạng lưới hợp tác tăng cường sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu - triển khai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Huy nhận định, việc thương mại hóa các sản phẩm công nghệ được nghiên cứu, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay vẫn gặp một số khó khăn như: Các nhà đầu tư khi có nhu cầu chuyển giao công nghệ để thực hiện đầu tư dự án nhưng khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về các công nghệ phù hợp. Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ chưa được triển khai thường xuyên.
Khu công nghệ cao bắt đầu hình thành mạng lưới hợp tác tăng cường sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo chuỗi giá trị, việc kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và các tổ chức nghiên cứu - triển khai chưa có sự gắn kết bền vững. “Các dự án nghiên cứu - triển khai, các dự án ươm tạo công nghệ đã ra các công nghệ mới, công nghệ cao nhưng hoạt động kết nối với các nhà sản xuất, chuyển giao công nghệ chưa nhiều” - ông Nguyễn Thành Huy nêu.
Ngoài ra, hạ tầng phòng thí nghiệm trong Khu công nghệ cao chưa nhiều để nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Để thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm công nghệ được nghiên cứu, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Nguyễn Thành Huy cho rằng, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp ưu tiên như: Tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu công nghệ, xây dựng đội ngũ tư vấn, tìm kiêm công nghệ, hỗ trợ hoạt đông chuyển giao, làm chủ công nghệ và hỗ trợ các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về định giá công nghệ, hỗ trợ cho các đơn vị thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - triển khai tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối, tạo ra hệ sinh thái trong nghiên cứu công nghệ, sản xuất sản phẩm, đào tạo nhân lực công nghệ cao của các đơn vị, tổ chức hoạt động trong Khu công nghệ cao.
Ưu tiên các dự án đầu tư nghiên cứu - triển khai, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tham gia các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hoặc xây dựng chương trình khoa học và công nghệ của Khu công nghệ cao để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - triển khai, chuyển giao, làm chủ công nghệ trong các dự án.
Mặt khác, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ nâng cao hoạt động nghiên cứu, làm chủ thương mại hóa công nghệ trong doanh nghiệp. Xây dựng các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại Khu công nghệ cao.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động hợp tác, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị nghiên cứu và sản xuất ở trong và ngoài khu công nghệ cao cũng như hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bài 4: Gỡ "điểm nghẽn" về chính sách
Nguồn: congthuong.vn
lên đầu trang