Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 23:40

Thứ năm, 28/03/2024 | 23:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:38 ngày 09/03/2023

Khơi “dòng chảy” thương mại hóa công nghệ - Bài 4: Gỡ “điểm nghẽn” về chính sách

Hiện có nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ, viện,trường có kết quả nghiên cứu và nhiều hợp đồng đã ký kết nhưng không thể triển khai vì rào cản chính sách.
Vì sao cần thương mại hóa công nghệ?
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một tiến trình từ ý tưởng nghiên cứu hay sản phẩm nghiên cứu được giới thiệu ra thị trường. Tiến trình này gồm nhiều bước để giúp chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm có thể thương mại hóa được và tạo ra thu nhập từ bản quyền hoặc doanh thu bán hàng (hay còn gọi là khai thác tài sản trí tuệ cho mục đích thương mại).
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế
Việc đưa các kết quả nghiên cứu và sáng tạo thành các sản phẩm, quy trình và dịch vụ hữu ích có tác động lớn đến việc cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế bằng cách cung cấp các cơ hội việc làm. “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tập trung vào thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho phép Việt Nam đẩy mạnh việc giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu ở quy mô lớn và thu hút các cơ hội đầu tư và phát triển mới” - ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với các tổ chức nghiên cứu, việc theo đuổi một dự án thương mại hóa nghiên cứu toàn diện và bền vững hơn có thể đem lại những lợi ích bổ sung vô cùng to lớn, bao gồm: Thu hút tài trợ cho các cơ hội nghiên cứu mới, thu nhập từ chuyển giao, bản quyền và các đơn vị thương mại mới (ví dụ các doanh nghiệp khởi nghiệp). Điều này, có thể mang tới cơ hội cho các quan hệ đối tác và hợp tác lâu dài với khu vực tư nhân và Chính phủ, tạo ra việc đồng sáng tạo các giải pháp.
Đưa nghiên cứu ứng dụng ra thị trường còn có thêm lợi ích là nâng cao danh tiếng của các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, thu hút các nhà khoa học và sinh viên giỏi, tiếp tục tăng cường cơ hội thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tạo tác động tích cực bền vững.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, mặc dù tiềm lực, năng lực và tiềm năng nghiên cứu của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng lãng phí về chất xám, tài nguyên này đang rất lớn. Vướng mắc đầu tiên là chính sách. Chúng ta chưa có chính sách tạo động lực cho các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm tốt và hỗ trợ họ ứng dụng vào trong đời sống để mang lại lợi ích, hiệu quả đầu tiên cho nhà khoa học, sau đó là các ngành sản xuất. Khi nhà khoa học và công nghệ không thấy lợi ích thực sự từ kết quả nghiên cứu mình làm ra thì rất khó có được động lực.
Kinh nghiệm phát triển khoa học và công nghệ từ Trung Quốc, Nhật Bản cho thấy, các quốc gia này dựa trên một triết lý cơ bản đó là, chỉ khi nào nhà khoa học sống và làm giàu được từ tri thức khoa học, từ sản phẩm khoa học họ làm ra, lúc đó khoa học và công nghệ của đất nước mới phát triển.
“Điều này có nghĩa là để nền khoa học của một quốc gia phát triển thì Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp thúc đẩy và tạo động lực để nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ không ngừng sáng tạo, thương mại hóa và làm giàu được từ kết quả nghiên cứu” - ông Phạm Đức Nghiệm nói.
Trong khi đó, chính sách của Việt Nam còn rất nhiều rào cản, chưa thực sự có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Hiện đang tồn tại một nghịch lý ở tầm chính sách là doanh nghiệp cần công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học có các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có giá trị, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện, trường nhưng không triển khai được vì còn tồn tại sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý trong Luật Giáo dục đại học; Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Phạm Đức Nghiệm nêu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đó là các kết quả nhiệm vụ sau khi nghiên cứu cần phải định giá trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp, sau đó cần hoàn trả lại toàn bộ số tiền được tài trợ, đầu tư cho nhà nước.
Vướng mắc về chính sách đang gây cản trở hoạt động thương mại hóa công nghệ
“Thực tế nhiều kết quả nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam không cần định giá và không định giá được. Do trình độ các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế nên quy trình định giá quá phức tạp. Việt Nam không có tổ chức để định giá” - ông Phạm Đức Nghiệm nhận định.
Bên cạnh đó, khi tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao có lợi nhuận, việc phân chia lợi nhuận thu được cho nhà nước tương ứng với tỷ lện vốn nhà nước đã đóng góp vào nhiệm vụ. Điều này có nghĩa là mức hỗ trợ càng cao thì phần lợi nhuận tương ứng phải trả cho Nhà nước càng lớn, đặc biệt trong trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì lợi nhuận của thương mại hóa sẽ thuộc toàn bộ của nhà nước.
Thực tế cũng cho thấy từ quy mô pilot trong phòng thí nghiệm, doanh nghiệp phải đầu tư thêm rất nhiều tiền để hoàn thiện kết quả nghiên cứu, bởi vậy doanh nghiệp chịu rất rủi ro khi đầu tư vào kết quả nghiên cứu rồi đến khi thành công phải trả toàn bộ số tiền được đầu tư từ nhà nước. Theo đó, không tạo động lực để doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu.
Ông Phạm Đức Nghiệm cũng cho rằng, đang tồn tại vấn đề nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước. Ví dụ, 1 tổ chức nghiên cứu, trường đại học tổng ngân sách chuyển giao công nghệ được 40 tỷ đồng, thì kinh phí hàng năm của Nhà nước dự kiến cấp cho sẽ trừ đi 40 tỷ đồng.
“Vô hình chung nhà nước đang không khuyến khích các đơn vị có hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ thành công trong khi những đơn vị có kết quả không tốt vẫn nhận đủ ngân sách. Điều này không tạo động lực cho tổ chức chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu” - ông Phạm Đức Nghiệm bày tỏ.
Trong Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định các loại tài sản của doanh nghiệp như đất đai, nhà cửa, bao gồm sở hữu trí tuệ... được phép góp vốn hình thành doanh nghiệp nhưng không có quy định cụ thể làm thế nào để chứng nhận quyền sở hữu tài sản là sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nên rất khó để hình thành doanh nghiệp spin-off trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc tài sản trí tuệ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mới được Quốc hội thông qua bước đầu tháo gỡ khó khăn của một bộ phận (dưới 10%) kết quả nghiên cứu có hình thành tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đa phần kết quả nghiên cứu không trực tiếp hình thành sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Luật mới giải quyết được 1 vấn đề là trao quyền để tổ chức chủ trì đứng tên văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, chưa có giải pháp cho vấn đề thương mại hóa, chuyển giao, phân chia lợi ích khi hình thành doanh nghiệp…
Sẽ thí điểm một số chính sách vượt trội
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành đạt đã ký Quyết định số 1193/QĐ-BKHCN thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác và Tổ chuyên gia xây dựng Đề án “Thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
“Đặt hàng” nhiệm vụ khoa học và công nghệ là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn
Ông Phạm Đức Nghiệm cho hay, hiện Bộ đang tổng hợp ý kiến của các Bộ ngành liên quan, ý kiến các nhà khoa học, các nhà chính sách và dự kiến trong năm 2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án này. "Qua đó, sẽ cho phép thí điểm một số chính sách vượt trội, khác biệt với các chính sách đang có để tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Sau khi triển khai thí điểm thành công sẽ nhận rộng ra cả nước" - ông Phạm Đức Nghiệm thông tin.
Từ kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh trong việc hình thành “tam giác” liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu đến với các doanh nghiệp, phải phát triển đồng đều các yếu tố của thị trường khoa học và công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào thị trường này. Bổ sung và tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường khoa học, công nhệ để các doanh nghiệp, nhà khoa học có thể tiếp cận, tra cứu thông tin của nhau…
PGS.TS Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học kiến nghị, nếu sản phẩm để cho nhà khoa học phát triển thì sản phẩm tạo ra bị hạn chế về quy mô sản xuất, thiếu cạnh tranh về giá, khó có tính lan tỏa tốt; nhưng để cho doanh nghiệp phát triển thì hạn chế về nghiên cứu phát triển (R&D) và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Do đó, cần có mô hình doanh nghiệp về Khoa học và Công nghệ được hình thành từ các nhà khoa học kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để liên tục phát triển, cải thiện sản phẩm. Mô hình này cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm. Điều đó gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn.
Ông Nguyễn Thành Huy, Giám đốc Ban Khoa học và Công nghệ thuộc Ban Quản lý Khu Công cao Hòa Lạc chia sẻ thêm, “đặt hàng” nhiệm vụ khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Theo đó, để cải thiện tình trạng này, cần tìm kiếm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ (có thể hiểu như tổng công trình sư về khoa học và công nghệ), xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực một cách tổng thể ở phương diện quốc gia, Bộ ngành, địa phương đối với giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học có thể nắm bắt xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, của sản phẩm công nghệ theo các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, tạo được “niềm tin” đối với doanh nghiệp hoặc đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu.
Mặt khác, nghiên cứu xây dựng quy trình tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ một các khoa học, không phức tạp, tiết kiệm thời gian, để có thể triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời. Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị ứng dụng, sử dụng các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam.
Đề xuất việc cần tạo thị trường cho đơn vị nghiên cứu trong nước, khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghệ được tạo ra tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, khi xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế của đất nước cần nghiên cứu để lồng ghép các nội dung, mục tiêu khoa học và công nghệ cần đạt được và có cơ chế ưu đãi, lộ trình cụ thể để ưu tiên phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ cho các dây chuyền thiết bị liên quan.
Có như vậy, sau một số dự án đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tự thực hiện được các dự án tương tự, giúp cho việc đầu tư các dự án tương tự trong tương lai ở trong nước sẽ tăng tính tự chủ, giảm nhập siêu và tránh bị o ép giá từ các nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ: Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ.
Nguồn: congthuong.vn
lên đầu trang