Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 20:25

Thứ năm, 18/04/2024 | 20:25

Chính sách

Cập nhật lúc 09:32 ngày 15/03/2023

Hoàn thiện chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ KH&CN cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương; quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, đối với công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đã tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2022, ngành KH&CN tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18 đề án thuộc lĩnh vực KH&CN (gồm 06 Nghị định; 11 Quyết định; 01 Chỉ thị). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 đề án, gồm: 02 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu KH,CN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 30 văn bản để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.
Các chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST do cấp có thẩm quyền ban hành tập trung vào việc huy động nguồn lực cho hoạt động KH,CN&ĐMST: (1) Tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi và khai thác tài sản trí tuệ, đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; (2) Tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu dây chuyền đã qua sử dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao, dự án có hoạt động ứng dụng công nghệ cao, dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư; (3) Thu hút, trọng dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ tri thức đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); (6) Tháo gỡ các vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế; (7) Ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; hướng dẫn thi hành các quy định về tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử,…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ảnh minh hoạ
Thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
Về thực hiện Chương trình công tác, nhiệm vụ được giao, tính đến ngày 27/12/2022, Bộ KH&CN được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 188 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 40 nhiệm vụ, đang thực hiện 148 nhiệm vụ.
Bộ KH&CN cũng theo dõi, đôn đốc tổng hợp bộ chỉ số ĐMST toàn cầu và xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. Về bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII): Phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tình hình và kết quả triển khai cải thiện các chỉ số GII của Việt Nam. Năm 2022, chỉ số GII của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Trong Báo cáo GII 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.
Về bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII): Chủ trì, phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số ĐMST, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu (GII). Đã tổ chức đánh giá thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố thuộc 06 vùng trên cả nước nhằm đo lường năng lực và kết quả ĐMST của từng địa phương. Kết quả thử nghiệm đã được các chuyên gia của tổ chức WIPO kiểm toán, kiểm định. Khung bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, trong đó có 15 chỉ số sẽ lấy dữ liệu từ các địa phương, 36 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ, ngành và các tổ chức khác ở Trung ương.
Đối với việc theo dõi chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên GDP, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan cập nhật đầy đủ các nguồn số liệu để tính toán và đánh giá, theo đó, trong năm 2022, chỉ số giá trị này ước đạt tối thiểu trên 50% GDP.
Bộ KH&CN cũng tích cực triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Đề án đã thử nghiệm và triển khai thành công mô hình hợp tác giữa nhà nước - viện trường - doanh nghiệp - cộng đồng trong việc phát hiện và giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước. Một số dự án đã được hình thành trong khuôn khổ Đề án và được triển khai thử nghiệm thành công và chuyển giao cho các đơn vị có đủ năng lực để tiếp tục duy trì, phát triển, cụ thể: (1) Xây dựng Bản đồ số Việt Nam - Vmap; (2) Xây dựng Hệ thống thông tin Nhân đạo số - iNhandao; (3) Xây dựng nền tảng Giáo dục số - iGiaoduc: (4) Hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia; (5) Dự án Dữ liệu khoa học dùng chung.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Đề án đang tiếp tục triển khai các dự án về Dinh dưỡng số, Văn hóa số, AI… Trong thời gian tới, Đề án tiếp tục phát triển theo hướng thiết lập hạ tầng nền tảng, dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng dự thảo bộ chỉ số đánh giá năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Theo vietq.vn/
lên đầu trang