Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:35

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:35

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:23 ngày 20/03/2023

Chuyển đổi số - lời giải bài toán tăng năng suất chất lượng

Chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi to lớn trong cải thiện năng suất lao động, bao gồm cả sản xuất và kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội.
Chia sẻ về bài học thành công trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay, năng suất lao động của doanh nghiệp này cao gấp từ bốn đến năm lần năng suất lao động trung bình của cả nước. Trong đó, riêng đội ngũ phần mềm chuyên làm về AI có năng suất lao động cao gấp chín lần và đã tiệm cận năng suất lao động trung bình cả thế giới, tức đạt khoảng từ 38.000 USD đến 42.000 USD/người. “Có được thành công này là nhờ vào internet, AI và Big Data”, ông Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham quan Phòng thí nghiệm Nhà máy số của trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thực hiện chuyển đổi số trước tiên ở các công ty ngành sợi. Đơn cử, năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30 nghìn cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thụy Sĩ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung nhưng chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10 nghìn cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000m2. So quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án giảm 84% số lao động, giảm khoảng 50% diện tích đất xây dựng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm và còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái để bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chuyển đổi số sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Điểm thuận lợi là châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới nhưng điểm hạn chế là đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất ở châu Á.
Để thúc đẩy chuyển đổi số tăng năng suất lao động, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Worldbank tại Việt Nam cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, dự báo chính sách....
Khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần có tư duy và hành động mới để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng đến chiều sâu. Cụ thể là đánh giá mức độ chuyển đổi số chi tiết theo các tiêu chí khoa học, rõ ràng, từ đó có những thay đổi, chiến lược và kế hoạch phát triển phù hợp.
GS. TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, chuyển đổi số trong khu vực sản xuất, kinh doanh sẽ chậm và khó khăn hơn so với các ngành có mức độ chuyển đổi số cao như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông... Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp luôn trăn trở giữa lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính, nhân lực của doanh nghiệp và cả ngành kinh tế.
Quan trọng hơn cả là cần có thể chế đi trước mở đường, vì chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà liên quan đến cái mới. Trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp, thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định.
Theo Báo Tin tức
lên đầu trang